Doanh nghiệp Hàn Quốc: Việt Nam có nhiều thế mạnh thu hút FDI

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng, bên cạnh chính sách mở thì chi phí nhân công, giá thuê mặt bằng ... rẻ hơn với nhiều nước trong khu vực là lợi thế lớn của Việt Nam nhằm thu hút đầu tư.

Đây là nhận định chung của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc khi nói về khả năng đầu tư tại Việt Nam tại Hội thảo FTA Việt Nam - Hàn Quốc diễn ra hôm nay (14/7). Theo đó, chỉ tính riêng tại khu vực Đông Nam Á, giá thuê đất, văn phòng đại diện, cửa hàng thậm chí cho đến mức lương dành cho nhân viên bản địa của Việt Nam cũng rẻ hơn khá nhiều so với các nước như Thái Lan, Singapore ...

Ngoài ra, các yếu tố như nền chính trị ổn định, chính sách mở, nguồn nhân lực dồi dào, tăng trưởng kinh tế bền vững, có nhiều điểm tương đồng về văn hóa cũng là thế mạnh của Việt Nam đã "ghi điểm" trong mắt nhà đầu tư Hàn Quốc. Bởi vậy, trong những năm gần đây, nhu cầu đầu tư FDI vào Việt Nam của các doanh nghiệp nước này ngày càng tăng.

 
Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đang dần tập trung cho lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam
Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đang dần tập trung cho lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc hiện đang có số vốn lớn nhất, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, trong tổng vốn đăng ký cấp mới tăng thêm 5,49 tỷ USD thì riêng phía đối tác nước ngoài này đã chiếm tới 1,52 tỷ USD. Cũng tính tới hiện tại, Hàn Quốc đang có 1.655 dự án ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký lên đến 11,5 tỷ USD.

Nếu như trước đây, xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam chỉ nhằm vào các lĩnh vực vừa và nhỏ như dệt may, giày dép thì tới nay đã chuyển dần vào các lĩnh vực lớn hơn như xây dựng, điện tử. Đặc biệt, hiện Việt Nam cũng đang dần trở thành địa điểm ưa thích được các hãng công nghệ lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG ... đặt nhà máy sản xuất TV và smartphone.

Cũng tại cuộc hội thảo này, một doanh nghiệp Hàn Quốc nêu ra vấn đề, 10 năm trước Trung Quốc đã đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư tương tự như Việt Nam nhưng tới nay tất cả những lợi thế này đều không còn, điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp phải chuyển hướng đầu tư. Liệu điều này có lặp lại tại Việt Nam ?, phía doanh nghiệp này đặt câu hỏi.

Trả lời vấn đề này, ông Đỗ Nhất Hoàng- Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài khẳng định, Việt Nam chưa có định hướng về đầu tư như phía doanh nghiệp Hàn Quốc phản ánh về về chính sách này của Trung Quốc. Mặc dù câu chuyện về 10 năm tới ở Việt Nam là rất khó nói nhưng ông Hoàng cũng cam kết phía Việt Nam sẽ tạo các điều kiện tốt nhất để thu hút nguồn vốn FDI.

Mặc dù vậy, ông Hoàng cũng cho biết, hiện nay Việt Nam cũng đang từng bước xem xét chặt chẽ hơn các yếu tố đầu tư FDI. Có thể kể đến như hạn chế hoặc cấm đầu tư hệ thống máy móc, dây chuyền cũ, đặc biệt là vấn đề môi ô nhiễm môi trường. Nếu các dự án đầu tư không có vấn đề gì về ô nhiễm môi trường hoặc tiêu tốn năng lượng sản thì các nhà đầu tư không có gì phải lo lắng.

Ngoài ra phía doanh nghiệp Hàn Quốc cũng muốn Việt Nam thông thoáng hơn trong vấn đề cấp visa nhập cảnh cho lao động trình độ cao cũng như chuyên gia của nước này nhằm tạo điều kiện làm việc thuận lợi. Ông Hoàng cho biết phía Việt Nam cũng đang tích cực xem xét về việc cải tiến hoặc thậm chí là miễn visa cho nhân sự lao động đến từ các quốc gia đang đầu tư FDI.

Còn có nhiều phương án đang được các Bộ, Ngành của Việt Nam xem xét như miễn visa trong thời hạn 30 ngày hoặc 3 tháng. Thậm chí là cấp visa nhanh trong vòng 3 - 6 tháng, ông Hoàng cho biết.

Ở chiều ngược lại, ông Phạm Khắc Tuyên, Trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết, trở thành đối tác FTA của Hàn Quốc là cơ hội "vàng" cho doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt đối với các mặt hàng lần đầu tiên được mở cửa như tỏi, khoai lang, mật ong ... hay các nhóm nông, thủy, sản vốn là chủ lực của xuất khẩu đều được cắt giảm thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi để xâm nhập vào thị trường Hàn Quốc.

Tuy nhiên phía Bộ Công Thương cũng lưu ý phía doanh nghiệp trong nước cần tuân thủ các quy tắc xuất xứ như trong cam kết. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp xác định được mặt hàng của mình có đủ điều kiện được hưởng ưu đãi thuế không hoặc tránh vi phạm vào các vấn đề pháp lý có liên quan tới chống gian lận thương mại.