Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp kêu khó vì thủ tục C/O

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khó khăn nhất của DN xuất khẩu hiện nay là vấn đề giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Nếu không giải quyết được C/O thì khó có thể tận dụng được cơ hội mà EVFTA mang lại.

Đó là nỗi niềm của nhiều DN chia sẻ tại hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp dịnh EVFTA: Cơ hội phát triển cho DN Việt Nam sau cú sốc Covid-19” do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 29/6.

Không phủ nhận khi được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ giúp tạo thêm động lực cho các DN phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh, đặc biệt sau cú sốc Covid-19. Tuy nhiên, nhiều DN cũng bày tỏ băn khoăn về vướng mắc đối với việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).

Các chuyên gia, nhà quản lý, địa diện hiệp hội tham gia tọa đàm tại hội nghị

Bà Lê Thị Nụ - Đại diện Công ty CP Đầu tư Wood Alliance cho hay, khó khăn nhất của DN xuất khẩu đồ gỗ là vấn đề C/O. Thực tế, có những C/O phải mất 2,5 tháng DN mới có được, điều này khiến nhiều lô hàng bị lỗ vì không lấy được C/O và không thông quan được hàng.

“Hiện, Công ty đang xúc tiến sang thị trường EU đối với mặt hàng gỗ dán, sản phẩm nội thất, cửa tủ bếp. Nếu không giải quyết được C/O thì khó có thể tận dụng được cơ hội mà EVFTA mang lại” - bà Nụ băn khoăn.

Không chỉ C/O mà ngay cả truy xuất nguồn gốc cũng là điều mà nhiều DN quan tâm. Tổng Giám đốc Công ty Cacao Đồng Nai Trần Việt Cường chia sẻ, truy xuất nguồn gốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân, nhà sản xuất nhanh chóng tiếp cận được thị trường EU khi EVFTA đi vào thực thi. Cụ thể, từ khâu thu mua, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sẽ được đồng bộ. Tuy nhiên, khó khăn của DN là không chứng minh được có bao nhiêu lượng hàng, dẫn đến bị cạnh tranh bởi Indonesia, Philippines, khiến DN bị bắt đền thuế.

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, xuất xứ của hàng hóa chính là tạo sự khác biệt của hàng hóa nội khối và hàng hóa bên ngoài. Nếu hưởng những ưu đãi thuế quan trong 1 hiệp định thì phải chứng minh hàng hóa có xuất xứ, đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định của hiệp định.

“DN gặp khó do không sử dụng nguyên liệu trong nội khối EU nên không đáp ứng được quy tắc xuất xứ, hoặc không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu sử dụng từ nội khối chứ không phải khó khăn ở việc tờ giấy chứng nhận” - bà Trang lý giải.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) Mai Xuân Thành, với vướng mắc C/O, cơ quan hải quan sẵn sàng phối hợp đầu mối với Bộ Công Thương, VCCI để chia sẻ những số liệu, kinh nghiệm, đặc biệt là đánh giá DN, xếp hạng DN để dựa vào đó rút ngắn thời gian cấp C/O cho DN. Tuy nhiên, các DN xin cấp C/O sau đó phải tuân thủ đầy đủ quy định và minh bạch”.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Hiệp định EVFTA khi được đưa vào thực thi sẽ giúp tạo thêm động lực cho các DN Việt Nam phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh. Với EVFTA, DN Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường gần 460 triệu dân với GDP bình quân hơn 35.000 USD và mức thuế bằng 0 ngay từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực cho hơn 85% số dòng thuế.

Ngoài ra, các DN còn có thể tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.