Doanh nghiệp không đơn độc

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến khó lường ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi thành phần kinh tế, dù vậy trong cuộc chiến phức tạp này, DN không đơn độc. Ngay sau cuộc họp với các địa phương và DN trên cả nước và kết quả là Nghị quyết 105 ban hành, Chính phủ họp trực tuyến với DN khu công nghiệp, chế xuất, đối thoại với DN trong nước và nước ngoài để lắng nghe, cùng nhau tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ phục hồi sản xuất.

Sản xuất tại Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam tại KCN Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: Lê Nam
Là khu vực với hàng chục triệu lao động, có đóng góp lớn cho ngân sách, tăng trưởng và ổn định xã hội nhưng vấn đề khó khăn mà các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp phải đối mặt là rất lớn. Đó là chi phí đầu vào, vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất; chưa kể các DN phải "gồng" thêm các chi phí vì phòng, chống dịch như xét nghiệm, duy trì 3 tại chỗ...
Hiện cả nước có 369 khu công nghiệp, 26 khu kinh tế cửa khẩu và 18 khu kinh tế ven biển. Trong các khu công nghiệp trên cả nước hiện đang có khoảng 10.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động. Dịch bệnh xuất hiện trong các khu công nghiệp đòi hỏi những biện pháp phòng, chống rất khác.

Một thông điệp nhất quán và xuyên suốt mà Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, Chính phủ sẽ đồng hành, lắng nghe ý kiến DN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tới khi phục hồi sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Khi khó khăn dịch bệnh, các bên phải cùng chia sẻ, thông cảm, đoàn kết với nhau, cùng tìm ra giải pháp phù hợp để thích ứng. DN là chủ thể, địa phương là trung tâm, đầu mối tháo gỡ khó khăn. Các địa phương xem xét kiến nghị của DN phối hợp cùng bộ ngành ban hành các phương án, hình thức tổ chức sản xuất khả thi để DN được lựa chọn; đơn giản hóa thủ tục để DN có thể tiếp cận vốn hỗ trợ. Gỡ khó về thuế, tạo điều kiện cho DN khơi thông hàng hóa… Với thông điệp rõ ràng, chia sẻ cụ thể, nhiều DN FDI đã khẳng định, sẽ tiếp tục đồng hành và cùng tìm giải pháp tạo ra sự an toàn để sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thực tế cho thấy, đợt dịch lần thứ tư kéo dài từ tháng 4 đến nay gây khó khăn cho biết bao DN. Việc ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh thành công ở các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương không chỉ có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, sự đồng hành, hưởng ứng của Nhân dân mà luôn có sự chia sẻ, chung tay, chung sức của các DN, qua đó sớm phục hồi sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng.

Đồng hành cùng DN vì mục tiêu phát triển, đặc biệt trong thời điểm DN gặp khó khăn, tinh thần ấy càng được thể hiện mạnh mẽ. Chính phủ đã lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng tháo gỡ khó khăn cho DN. Tại một số địa phương cũng lập ra các tổ công tác do lãnh đạo tỉnh, TP đứng đầu, trực tiếp xử lý, hướng dẫn, thông qua phương án phục hồi sản xuất của DN trong điều kiện phòng, chống dịch. Một tháng một lần Chính phủ họp các bộ, ngành, địa phương, DN, nhất là các địa phương, DN còn gặp nhiều khó khăn.
Ở cấp địa phương, các hội nghị, các cuộc gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc với DN để quán triệt, triển khai tinh thần phục hồi sản xuất trong bối cảnh hiện nay, hướng dẫn DN có phương án tái sản xuất cũng được triển khai, qua đó những chính sách, hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được triển khai kịp thời… đã và đang tạo động lực không nhỏ. Những nỗ lực đó đã và đang cho thấy cộng đồng DN luôn có sự đồng hành để vượt qua khó khăn của đại dịch, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần