Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh:

Doanh nghiệp kiến nghị đẩy nhanh việc cấp sổ hồng để vay vốn sản xuất

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/2, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.

Đến dự và chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cùng hơn 100 đại biểu đại diện các hiệp hội, DN, các sở, ngành.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, GRDP năm 2022 của TP đạt 9,03%, cao hơn chỉ tiêu đặt ra từ 6%-6,5%, cao hơn GRDP trung bình cả nước 6%. Những chỉ tiêu về thu ngân sách, giải quyết việc làm, an sinh xã hội đều đạt khá cao. Tuy nhiên, cuối năm 2022 tình hình diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới DN trên nhiều lĩnh vực.

Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan chủ trì hội nghị. Ảnh: PLO.
Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan chủ trì hội nghị. Ảnh: PLO.

Tại hội nghị, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, trong những tháng đầu năm 2023 hầu hết DN ngành lương thực, thực phẩm duy trì tốt hoạt động sản xuất, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù tăng, nhưng các DN chế biến lại không có lãi, vì lãi suất cho vay của ngân hàng trên 10%.

“Hiện nay các DN lớn, có thương hiệu tại TP đều đầu tư công nghệ hiện đại nhưng lại đang gặp khó khăn về tài chính. Đây là cơ hội để nước ngoài mua lại các DN này. Do đó TP nên có chính sách hỗ trợ về lãi suất để DN yên tâm sản xuất, không bán DN cho nước ngoài. TP cũng cần có đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành trước khi ban hành nghị định hay thông tư, nên tổ chức lấy ý kiến của DN nhằm hạn chế những nghị định, thông tư không phù hợp với hoạt động sản xuất của DN”, bà Chi kiến nghị.

Còn ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP nêu nhiều khó khăn khi vay vốn sản xuất. Các ngân hàng thường định giá giá trị tài sản của DN còn 50%-60%, khiến hạn mức cho vay giảm, trong khi lãi suất quá cao nhưng đơn hàng ngành dệt may giảm chỉ còn từ 30%-40%, lợi nhuận cũng giảm do phải cạnh tranh về giá. Do đó ông Việt kiến nghị các ngân hàng cần linh hoạt khi cho vay, nhất là đối với các DN đang gặp khó vì tình hình kinh tế chung.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết, từ quý 4/2022, sản xuất kinh doanh có phần chậm lại, số DN có doanh thu tăng chỉ còn 22% (quý 3/2022 là 26%). Theo khảo sát của Hiệp hội DN, số DN trả lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng/lao động, giảm còn 65% so với 80% quý 2/2022. Về xuất khẩu của ngành dệt, may cũng gặp nhiều khó khăn tại hầu hết các thị trường. Trong tháng 11 và 12/2022, đơn hàng thiếu từ 35%-50%, nhiều khách hàng đưa mức giá chỉ 50% hoặc 40% khiến nhiều DN cho người lao động nghỉ việc, nghỉ phép dài ngày.

Ngoài ngành dệt may gặp khó khăn, thì ngành mỹ nghệ chế biến gỗ cũng tương tự, chỉ có 10% DN có 50% đơn hàng, 50% DN chỉ còn 30%-40% đơn hàng, số còn lại không có đơn hàng. Đối với lĩnh vực bất động sản cũng gặp khó khăn không kém, thị trường đóng băng, nhiều chủ đầu tư các dự án phải ngừng xây dựng vì nhiều lý do dẫn đến nhiều ngành liên quan bị ảnh hưởng, không tiêu thụ được sản phẩm, như: vật liệu xây dựng (sắt, thép, xi măng, thiết bị trong các dự án…), nhân viên tại các công ty bất động sản bị cắt giảm.

Thay mặt Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh, ông Hòa đưa ra nhiều kiến nghị với TP nhằm gỡ khó cho DN, như: TP hỗ trợ vốn, tín dụng; ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại; năm 2023 cần xem xét miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN, thuế tiêu thụ đặc biệt; tiếp tục áp dụng thuế suất thuế GTGT 8% cho tất cả các ngành kinh tế đến hết năm 2023; TP chỉ đạo đẩy nhanh việc cấp giấy tờ nhà đất, nhà xưởng để DN có thể đem vay ngân hàng làm vốn sản xuất kinh doanh…

Ngoài những khó khăn được đại diện các hội, hiệp hội nêu trên đưa ra, ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí Điện TP còn nêu khó khăn khác đối với DN của ngành là quy định về xuất xứ hàng hoá khi tham gia đấu thầu. 

Theo ông Tống, hiện nay sản phẩm muốn tham gia đấu thầu phải đạt tiêu chuẩn G7, nhưng sản phẩm của Việt Nam không thể nào đạt chuẩn này. Để hợp thức hóa tiêu chuẩn G7, các DN trong nước phải tạm xuất ra nước ngoài để lấy xuất xứ G7, rồi quay trở lại trong nước tham gia hoàn thiện hồ sơ đấu thầu. Điều này làm triệt tiêu sự phát triển của DN.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, đề xuất của đại diện các hội, hiệp hội, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết TP ghi nhận tất cả ý kiến. Đề nghị HUBA cần cụ thể hóa từng kiến nghị cũng như đưa ra giải pháp xử lý, để từ đó lãnh đạo TP giao cho các sở, ngành có liên quan giải quyết từng vướng mắc cụ thể.