Nông sản mất giá, vì sao? Cùng với Ấn Độ và Thái Lan, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lúa gạo nhiều nhất thế giới. “Tuy nhiên, có một thực tế đắng lòng là giá lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước, lợi ích kinh tế thu được rất thấp dù xuất khẩu số lượng lớn” – bà Lê Thị Tú Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp GAP chia sẻ tại diễn đàn “Phát triển DN nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới” diễn ra ngày 8/9.
Cũng theo bà Tú Anh, gạo thơm Việt Nam chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) vì các chỉ tiêu chất lượng dễ dãi, đổi lại giá lại rất thấp. Các thị trường cao cấp khác như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc... được giá cao hơn nhưng đòi hỏi các chỉ tiêu khắt khe về dư lượng thuốc BVTV nên các DN xuất khẩu gạo e dè khi ký hợp đồng xuất khẩu. Đặc biệt năm nay, rất nhiều đơn hàng xuất khẩu gạo thơm qua các thị trường này đã bị trả về vì bị dư lượng thuốc BVTV. Câu chuyện tương tự xảy ra với ngành hàng rau quả khi lượng thuốc BVTV luôn vượt quá mức cho phép. Đại diện Công ty CP Rau quả thực phẩm An Giang phân tích: Hàng nông sản trong nước chủ yếu sản xuất từ các trang trại nhỏ (trên dưới 1ha), manh mún dẫn đến không kiểm soát được chất lượng một cách chặt chẽ. Chưa kể, hàng nông sản và nhiều loại cây trồng ở ta thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa rớt giá, do chưa quy hoạch vùng chuyên canh theo lợi thế, chưa thực sự tổ chức được liên kết vùng… Gây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông sản sạch Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tổ chức các cánh đồng liên kết trồng lúa sạch, chất lượng cao cho các công ty xuất khẩu gạo, đại diện Công ty CP Nông nghiệp GAP cho rằng, giải pháp cho một nền sản xuất sạch là thiết lập chuỗi liên kết nhằm gắn kết nhà nông – DN kỹ thuật – nhà phân phối. Trước tiên, phải thay đổi được tư duy canh tác của người nông dân. Nhưng yếu tố quan trọng hơn cả trong chuỗi liên kết là DN kỹ thuật. DN sẽ mang lại cho người nông dân phương thức canh tác mới, hướng dẫn quy trình trồng trọt mới, tạo ra năng suất cao hơn cho nông nghiệp. Ngoài ra, ông Lê Văn Tam – Chủ tịch HĐQT Công ty Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) kiến nghị, Nhà nước cần có đổi mới chính sách hỗ trợ cho DN nông nghiệp và nông thôn, thông qua cơ giới hóa, ưu đãi thuế, lãi suất cho DN nông nghiệp... Để khuyến khích nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất sạch – chất lượng cao, đơn vị thu mua phải cam kết mua sản phẩm của họ với giá cao hơn thị trường. Ông Đinh Ngọc Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp, Bộ KH&ĐT cho rằng, cần phải xác định DN là đối tượng chủ đạo tham gia chuỗi giá trị. Và để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thì rõ ràng phải có chính sách hỗ trợ, ưu đãi từ Nhà nước.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Cảng Sài Gòn. Ảnh: Việt Dũng |