Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp là trung tâm trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

THIỆN AN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 27/9, Diễn đàn "Vai trò doanh nghiệp trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" chính thức diễn ra tại Hội trường Thống nhất, TP Hồ Chí Minh.

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, Diễn đàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một trong những hoạt động để thúc đẩy triển khai Chỉ thị số 19/Ct-TTg về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây cũng là hoat động cụ thể để triển khai Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển kinh tế”.
Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát huy hết tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tập trung chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, giải pháp cụ thể. Trong đó, UBND các tỉnh, TP trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được giao nhiệm khẩn trương đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất các giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.
“Để phát huy hơn nữa tiềm năng của vùng, hơn ai hết doanh nghiệp phải là trung tâm trong phát triển kinh tế. Diễn đàn sẽ đóng góp các ý kiến, những phân tích gợi ý chính sách từ các chuyên gia… nhằm gia tăng động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng”, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một trong những vùng kinh tế tạo động lực phát triển quan trọng hàng đầu của cả nước, đồng thời đóng vai trò một cửa ngõ kinh tế và cầu nối giao thương của Việt Nam với thế giới. Khu vực này đang hội tụ những lợi thế nổi trội và có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. “Đây sẽ là vùng trọng điểm, là đầu tàu trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
5 Đề xuất của TS Trần Du Lịch, nhằm phát huy tiềm năng thực sự của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Thứ nhất, cần có sự đổi mới mang tình đột phá về tư duy “phát triển  kinh tế Vùng” thay cho tư duy “kinh tế tỉnh” thông qua cơ chế điều hành kinh tế và phân bố ngân sách của Chính phủ và chính quyền địa phương. Khi lập quy hoạch Vùng theo Luật quy hoạch cần lồng ghép chính  sách phát triển Vùng trong nội dung thực hiện quy hoạch.
Thứ hai, để nâng cao tính năng động của các địa phương có lợi thế phát triển đề nghị cho thí điểm cơ chế tự chủ ngân sách 4 địa phương: TP Hồ Chí Minh; Bình Dương; Đồng Nai và Bà Rịa- Vũng Tàu theo cơ chế: Giảm bớt phần lồng ghép ngân sách nhà nước giữa TW và địa phương; ổn định tỷ lệ phân chia ngân sách giữa TW và địa phương theo Luật ngân sách trong 5 năm. Địa phương được hoàn toàn tự chủ chi phần ngân sách địa phương. Phần ngân sách TW hỗ trợ như đầu tư do TW kiểm soát. Cơ chế này kèm theo cơ chế tăng trách nhiệm của HĐND và tính công khai minh bách về ngân sách.
Thứ ba, cần xem việc xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng là tiền đề của liên kết phát triển Vùng và điều kiện để xây dựng các đô thị mới. Cần tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông Vùng đã được quy hoạch đến năm 2020 và 2030 (trong đó phần giao thông kết nối vùng đã được xác định trong quy hoạch giao thông TP Hồ Chí Minh  do TTg quyết định năm 2013).
Thứ tư, trên cơ sở quy hoạch giao thông kết nối Vùng và liên Vùng đã được phê duyệt cần phân định cụ thể phần TW đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm), phần do chính quyền các địa phương cùng chịu trách nhiệm. Sự phân định này làm cơ  sở cho việc bố trí nguồn đầu tư trung hạn trong từng kế hoạch 5 năm.
Thứ năm, lập quỹ đầu tư giao thông vùng từ các nguồn: Ngân sách TW cấp, ngân sách địa phương đóng góp; nguồn thu từ đất đô thị hóa do hệ thống giao thông tạo ra; nguồn tín dụng ưu đãi… Có Hội đồng quản lý quỹ đầu tư hạ tầng giao thông Vùng với sự tham gia của  các chính quyề địa phương trong Vùng.