Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp làm gì để xuất khẩu gạo sang Trung Quốc thuận lợi?

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa. Do đó, đất nước đông dân nhất thế giới này vẫn là thị trường tiềm năng đối với các DN xuất khẩu gạo Việt Nam.

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, gạo và cám gạo thì hiện nay Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư chính thức để xuất khẩu chính ngạch với hai sản phẩm này từ năm 2016. Trong phụ lục các DN được phép xuất khẩu thì có 22 DN được phép xuất khẩu chính thức.

Hoạt động xuất khẩu gạo của doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh minh họa
Hoạt động xuất khẩu gạo của doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trong suốt thời gian vừa qua, do sự thay đổi các điều kiện về an toàn thực phẩm cũng như đăng ký DN xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc theo Lệnh 248, 249, hiện nay Cục Bảo vệ thực vật đã có hướng dẫn cho các DN để đăng ký theo các bước, trên cơ sở đó Cục sẽ nộp hồ sơ để Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét, phê duyệt.

Trong thời gian qua, rất nhiều loại hồ sơ, rất nhiều sản phẩm của Việt Nam đang được phía nước bạn nỗ lực để phê duyệt. Cục Bảo vệ thực vật cũng đang phối hợp với Văn phòng SPS để thống kê, tổng kết các số liệu các DN có hồ sơ mà Bộ NN&PTNT đã gửi cho phía Hải quan Trung Quốc để thúc đẩy họ phê duyệt các hồ sơ này.

Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Huỳnh Tấn Đạt, để được chấp thuận xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, DN phải đảm bảo đầy đủ thông tin theo quy định, chứng minh đầy đủ thành phần hồ sơ liên quan đến công đoạn sản xuất ngoài đồng ruộng đến thu hoạch, sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm HACCP.

“Do vậy, trong quá trình thực hiện, DN cần phải hoàn thiện hết các hồ sơ nêu trên cũng như gửi cho Cục Bảo vệ thực vật để Cục tiếp tục giới thiệu sang phía nước bạn. Theo thông lệ, từ 2 - 3 tháng/lần, tùy từng nhóm mặt hàng, Cục Bảo vệ thực vật sẽ gửi các danh sách này cho phía Trung Quốc" - ông Huỳnh Tấn Đạt lưu ý.

Trước phản ánh của các DN khó đăng ký xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã báo cáo lãnh đạo Bộ NN&PTNT trong thời gian tới sẽ chủ động hơn nữa để phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để tiếp tục làm đầu mối tiếp nhận, xử lý nhanh chóng và hiệu quả các hồ sơ của DN đã phê duyệt.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong tháng 1/2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 47.424 tấn, tương đương hơn 28 triệu USD, giảm 18% về lượng và giảm 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trước đó, năm 2022, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt gần 851.000 tấn, tương đương 432 triệu USD, giảm 20% về lượng và giảm 17% về giá trị so với năm 2021.

Là quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo mỗi năm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa. Trong đó, 90% là gạo thường, gạo phổ thông; gạo cao cấp chỉ vài %.

Việt Nam là một trong 3 quốc gia sản xuất và xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới. Mỗi năm, nước ta sản xuất 43 - 44 triệu tấn lúa, tương đương 22 - 23 triệu tấn gạo. Lượng gạo này để phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.