Doanh nghiệp mong được hỗ trợ, tư vấn sản xuất tuần hoàn

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ảnh hưởng của dịch Covid-19 là rất lớn, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn trong duy trì sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động. Một trong những tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp là mong được hỗ trợ và tư vấn về kinh tế, sản xuất tuần hoàn... đã được các chuyên gia, nhà quản lý phần nào giải đáp. ..

Hướng đến phát triển bền vững
Trước những băn khoăn, vướng mắc, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) Hoàng Minh Chiến thông tin, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, Cục XTTM phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế thường xuyên tổ chức hội thảo và tập trung nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa về thực hành sản xuất, chế biến, kinh doanh theo hướng bền vững.
Các diễn giả, chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ nhiều kinh nghiệm cho cộng đồng doanh nghiệp về kinh tế tuàn hoàn.
Nội dung đào tạo lần này tập trung vào: Đánh giá mức tiêu thụ tài nguyên thực tế (năng lượng, nước, đầu vào sản xuất) và mức sản xuất chất thải (lỏng và rắn); Thiết kế chiến lược riêng về sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất tuần hoàn; Tiếp cận công nghệ và tài chính “xanh” để có thể thực hiện chiến lược kinh doanh.
“Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu, thay đổi nhận thức của người dân trên toàn thế giới, càng làm sâu sắc thêm yêu cầu về thay đổi mô hình tăng trưởng hướng đến phát triển bền vững” - Phó Cục trưởng Cục XTTM Hoàng Minh Chiến nói.
Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia trên thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế tuần hoàn. Tại Việt Nam, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định xây dựng kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030.
Theo ông Hoàng Minh Chiến, hiện tại, có thể thấy, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều rào cản trong chuyển dịch đi lên kinh tế tuần hoàn, như chưa có tư duy và nhận thức đầy đủ về kinh tế tuần hoàn, thiếu cam kết và kiên trì từ lãnh đạo, thiếu thông tin, hạn chế về nguồn nhân lực và tài chính. Cục XTTM đang từng bước triển khai các hoạt động huấn luyện, đào tạo, tư vấn, hỗ trợ xây dựng kế hoạch đi lên kinh tế tuần hoàn và các sự kiện thiết thực hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời kỳ Covid-19 và trong thời gian tới.
Việc đẩy mạnh sản xuất tuân thủ theo các tiêu chí bền vững bắt buộc và tự nguyện, sử dụng nguồn tài nguyên, nhiên liệu đầu vào và xử lý chất thải đầu ra… là hết sức cần thiết, nhận được nhiều sự hưởng ứng, quan tâm và mong mỏi từ cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian này.
Ông Hoàng Minh Chiến nhấn mạnh: Từ yêu cầu thực tế của thị trường, các mặt hàng có chứng chỉ bền vững luôn được đánh giá cao và có lợi thế trong thương lượng giá. Các doanh nghiệp có thể mạnh dạn hơn, tự tin hơn và quyết tâm hơn trên con đường tiến đến sản xuất, chế biến theo hướng bền vững, kinh tế tuần hoàn.
Cơ hội kinh doanh mới
Về những lợi ích trực tiếp dành cho doanh nghiệp khi tham gia dự án, Quản lý toàn cầu Dự án T4SD (ITC) Ann-Kathrin Zotz cho biết, doanh nghiệp tham gia sẽ được dự án hỗ trợ: Một là, tăng khả năng cạnh tranh quốc tế của các chủ thể trong chuỗi giá trị thông qua giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất; Hai là, tạo cơ hội kinh doanh mới thông qua việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới; Ba là, tạo cơ hội tiếp cận tài chính xanh.
Người lao động PV Power Hà Tĩnh, thành viên Petrovienam hăng say làm việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh. (Ảnh minh họa).
Theo khảo sát nhanh, các doanh nghiệp hiện đang có những băn khoăn và vướng mắc xoay quanh những vấn đề như chuyển dịch sang kinh tế, sản xuất tuần hoàn của doanh nghiệp bắt đầu từ đâu, bắt đầu từ khâu nào, cần làm gì để chuẩn bị, chuyển đổi số hiệu quả cho doanh nghiệp như thế nào, nhân sự và tài chính cần có kế hoạch ra sao, tìm kiếm sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính ở đâu… Ngoài việc tư vấn cho doanh nghiệp những vướng mắc, các kênh tư vấn như đối thoại trực tiếp, trả lời email, trả lời trong các nhóm làm việc đã được triển khai, đảm bảo hỗ trợ thông tin và kỹ thuật kịp thời cho doanh nghiệp.
Giám đốc Công ty Eco Bamboo Việt Nam Nguyễn Thị Hiệu Hồng chia sẻ, việc bắt đầu từ đâu để chuyển đổi sang kinh tế, sản xuất tuần hoàn, trong khi chúng tôi vẫn đang tiến sản xuất theo hướng truyền thống khiến chúng tôi khá băn khoăn. Mong muốn của doanh nghiệp là được hướng dẫn, tư vấn cụ thể về mặt tư duy và kỹ thuật, được hỗ trợ lên kế hoạch tổng thể và chi tiết, đặc biệt là chỉ ra cho chúng tôi thấy được lộ trình và những điểm gì làm trước, điểm gì làm sau, cần phải chuẩn bị nhân sự, hạ tầng hay máy móc như thế nào, và nguồn ngân sách cho hoạt động nữa.”
“Sự chia sẻ thông qua các hình thức là dịp tốt để các doanh nghiệp có cái nhìn rõ hơn về kinh tế tuần hoàn, sản xuất tuần hoàn, giúp doanh nghiệp tận dụng những thuận lợi và hạn chế khó khăn của đối với tiến trình này” - bà Nguyễn Thị Hiệu Hồng khẳng định.
Hội thảo trực tuyến “Khởi động hợp phần: Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất tuần hoàn (RECP)” cho các doanh nghiệp đã đăng ký tham gia, trong khuôn khổ dự án “Thương mại vì sự phát triển bền vững - T4SD” đang triển khai do Cục Xúc tiến thương mại (Cục XTTM - Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), cơ quan liên hiệp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Liên Hợp quốc (UN), tổ chức tại Hà Nội ngày 13/8 đã phần nào gợi mở vấn đề.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần