Doanh nghiệp mong thông hành “từ vùng đỏ, đến vùng xanh”

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Biện pháp mạnh áp dụng phòng chống dịch là cần thiết, nhưng rất cần sự linh hoạt. Việc quy định cấp giấy phép đi đường mới dù có hướng dẫn, song doanh nghiệp mong cụ thể, thủ tục thực hiện nhanh, thuận tiện cho đối tượng được cấp giấy... Đặc biệt, việc thông hành từ vùng đỏ - cam - xanh và ngược lại để vận chuyển các hàng nhu yếu phẩm, thiết thực, cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp nằm trong diện ưu tiên.

Theo phản ánh của cộng động doanh nghiệp hiện đang loay hoay dù đã có hướng dẫn, quá trình thực hiện cấp giấy đi đường không đủ nhân lực, cán bộ trực tiếp hướng dẫn, giải thích... sẽ dẫn đến vướng mắc và chậm. Nếu không khéo khó đạt được mục tiêu kép, sản xuất không bán được sản phẩm do khó lưu thông...
Công nhân hoàn thiện sản phẩm trong dây chuyền sản xuất tại vườn ươm doanh nghiệp thực phẩm Hà Nội. Ảnh: Nguyên Dương
Cụ thể sẽ tạo thuận lợi
Các doanh nghiệp có chung nhìn nhận, việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP là cần thiết. Với việc cấp giấy đi đường mới các doanh nghiệp đưa ra nhiều thắc mắc, ý kiến và mong muốn có sự linh hoạt để lưu thông theo quy định. Đơn cử, các doanh nghiệp cho biết, trụ sở giao dịch một nơi, nhà máy một nơi, người lao động lại một nơi, việc làm thủ tục theo quy định sẽ rất phức tạp.
Hoặc có doanh nghiệp thì chia sẻ nơi sinh sống và nhà nhân viên thì ở vùng xanh, vùng cam, nhưng văn phòng ở vùng đỏ vậy chưa biết cách nào đến văn phòng lấy hồ sơ và chứng từ để thực hiện?... Tựu chung lại các doanh nghiệp mong có đủ nhân lực, công nghệ, giảm thủ tục tối đa để có thể chấp hành thực hiện mà không gián đoạn sản xuất.
Là doanh nghiệp chuyên sản phẩm phở tươi và phở khô Hà Thành không dùng chất phụ gia, chất lượng và an toàn cho sức khỏe cộng đồng, Giám đốc Nguyễn Thị Phương đánh giá, DN mong muốn việc thực hiện cấp giấy phép đi lại nên linh hoạt hơn, giảm tải các thủ tục không cần thiết để đẩy nhanh tiến độ cho doanh nghiệp sản xuất theo quy định. Để hàng hoa sản xuất ra được lưu thông kịp thời đến các vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch, nhu cầu thực phẩm thực sự cần thiết cả về cung và cầu.
Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất phở của doanh nghiệp Song Phương. Ảnh: Nguyên Dương
Doanh nghiệp đề xuất, đã cấp phép cho doanh nghiệp được phép sản xuất trong diện thực hiện tốt phương án phòng chống dịch, nên tạo điều kiện nhanh nhất, kịp thời nhất việc lưu thông hàng hoá. Việc cấp giấy đi đường là cần thiết để phòng chống dịch, nhưng phần nào ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp khi phải mất thời gian để thực hiện, chưa nói trong quá trình xin cấp gặp trục trặc, vướng mắc. Hy vọng có sự nhất quán trong việc để doanh nghiệp lưu thông giữa các vùng, đó là tạo điều kiện hoạt động, đảm bảo an sinh xã hội.
“Hiện tại doanh nghiệp có văn phòng giao dịch ở Hoàng Mai, nhà máy sản xuất ở Hải Dương và kho sơ chế ở Thanh Oai, Hà Nội. Sản phẩm cung ứng cho các tỉnh, thành, riêng nội thành Hà Nội có các chuỗi siêu thị, chuỗi thực phẩm sạch, hay các đại lý tạp hoá... trong mọi ngóc ngách của các quận thì hiện quy định cấp phép theo cung đường điều đó sẽ khó cho doanh nghiệp, không phù hợp với nhân viên giao vận trên địa bàn” – bà Phương chỉ ra. Do đó, đề nghị có thể cấp Giấy một cách linh hoạt, cách nhận diện... phù hợp với thực trạng hoạt động của doanh nghiệp.
Di chuyển các vùng nên có hướng dẫn
Một số doanh nghiệp cũng nêu, nếu thiết yếu không có logistics, vận tải thì hàng hoá lưu thông làm sao. Bên nước ngoài doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm, sai phạt nặng luôn. Hay chứng khoán ngân hàng thuộc nhóm nào, có phải thiết yếu không? Hiện bây giờ có tình trạng doanh nghiệp muốn đến ngân hàng để giao dịch trả lương, chế độ cho nhân viên, vậy làm sao để doanh nghiệp đến ngân hàng mà qua được chốt?...
Một khâu trên dây chuyền sản xuất của Tập đoàn SUNHOUSE. Ảnh: Nguyên Dương
Dưới góc độ của mình, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Trịnh Thị Ngân cho biết, TP nên có giải pháp bằng chế tài, phạt thật nặng những hành vi làm giả giấy tờ đi đường, không tuân thủ việc phòng chống dịch. Nên tạo điều kiện như trước đây có xác nhận của UBND phường, cơ quan đã được doanh nghiệp chấp hành tốt. Vấn đề mấu chốt là tạo điều kiện thuận lợi cấp giấy cho các doanh nghiệp lưu thông giữa các vùng theo đúng quy định.
Bà Ngân khẳng định, giai đoạn này doanh nghiệp rất khó khăn, việc chống dịch là rất quan trọng, nhưng vẫn phải duy trì sản xuất, kinh doanh để trụ vững, tạo ra nguồn thu, đảm bảo đời sống và thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, người dân và doanh nghiệp bây giờ cần nhất là tiêm vaccine, nhất là các doanh nghiệp ưu tiên nên cho họ để đảm bảo sản xuất, kinh doanh... Cũng nên đưa chứng khoán, ngân hàng vào doanh nghiệp thiết yếu, doanh nghiệp có giao dịch với ngân hàng thì cấp cho cán bộ đi giao dịch vì doanh nghiệp vẫn phải hoạt động bình thường để đáp ứng thanh toán hàng hoá và tín dụng, cũng như chi trả tiền lương...
Kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng tại Trung Thanh Foods. Ảnh: Nguyên Dương
Đưa ra ý kiến bản thân, bà Ngân kiến nghị, UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc, các quận, huyện, thị xã, trực tiếp là các thủ trưởng, tư lệnh ngành coi công tác chủ động tấn công, dập dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu hiện nay; tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm chiến thắng dịch bệnh cao nhất với phương châm "khóa nhanh, xóa gọn vùng đỏ, mở rộng, bảo vệ vững chắc vùng xanh". Đồng thời, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp tình hình dịch bệnh và trong thời gian giãn cách TP. Đặc biệt, cũng mong xem xét nếu theo chỉ đạo nên có cơ quan hướng dẫn cho doanh nghiệp, người dân đang ở vùng đỏ được đi đến làm việc ở vùng xanh. Hoặc từ vùng xanh có được đến công ty ở vùng đỏ... 
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Xác định sống chung lâu dài với dịch, không thể khống chế tuyệt đối”, có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận tổ chức lại cuộc sống, làm việc, sinh hoạt khi trong cộng đồng vẫn tồn tại các ca F0. Đây là nhận định rất thực tế của người đứng đầu Chính phủ. Các địa phương cần nhanh chóng xem xét đánh giá lại chủ trương phong toả cả thành phố, cả tỉnh với nhiều triệu dân theo Chỉ thị 16 làm tê liệt sản xuất kinh doanh, trong khi chỉ xuất hiện các ca dương tính ở một phường, một xã thậm chí một xóm hay một tổ dân phố.
Nên chăng phân vùng xanh, vùng đỏ để áp dụng các biện pháp cách ly chống dịch khác nhau, cần chia nhỏ và dựa trên khoảng cách địa giới của nơi có ca lây nhiễm, chứ không nên phân chia vùng xanh đỏ dựa vào địa giới hành chính như hiện nay. Khoanh vùng cách ly chống dịch lây lan là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng làm sao để duy trì được sản xuất và lưu thông hàng hoá, cũng như dần mở cửa lại các đơn vị kinh doanh dịch vụ theo nhận định sống chung với dịch của Thủ tướng là nhiệm vụ quan trọng không hề thua kém.
Bên cạnh chỉ tiêu kiểm soát dịch bệnh, cũng nên đưa thêm chỉ tiêu không làm gẫy các chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh cho lãnh đạo các địa phương. Cuộc chiến với dịch bệnh còn kéo dài, chúng ta cần rất nhiều nguồn lực xã hội mới có thể thắng lợi. Theo tính toán của các chuyên gia “Một tháng phong toả sẽ mất 2% GDP” nên không thể kéo dài mãi phong toả trên diện rộng!
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh
 
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần