Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp ngành nhựa: tìm kiếm cơ hội trong thách thức

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để doanh nghiệp ngành nhựa có thể giữ vững doanh thu, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh thì việc hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu.

Dự báo, ngành nhựa xây dựng sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2024. Ảnh: Tuấn Sơn
Dự báo, ngành nhựa xây dựng sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2024. Ảnh: Tuấn Sơn

Tín hiệu tích cực 

Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong chứng kiến sự trở lại ấn tượng khi báo cáo tài chính quý II/2024 doanh thu thuần tăng 37% lên 1.680 tỷ đồng. Lãi gộp đạt 553 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ, qua đó giúp biên lãi gộp được cải thiện, tăng từ 28% lên 33%.

Bên cạnh đó, chi phí bán hàng tăng 56% lên 205 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 39% lên 43 tỷ đồng, còn chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ so với cùng kỳ. Kết quả, doanh nghiệp báo lãi sau thuế 238 tỷ đồng, tăng 86% so với quý II/2023.

Tính chung 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 2.629 tỷ đồng doanh thu tăng 4% so với cùng kỳ. Công ty lãi trước thuế 415 tỷ đồng, lãi sau thuế 347 tỷ đồng. Đồng thời, sau hai quý, công ty đã thực hiện được 75% kế hoạch lợi nhuận.

Còn với một "ông lớn" ngành nhựa khác là Công ty CP Nhựa Bình Minh, trong quý II/2024 doanh thu thuần đạt 1.153 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán trong kỳ giảm tới 15% nên lợi nhuận gộp đạt gần 506 tỷ đồng; biên lợi nhuận đạt 43,84%.

Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Nhựa Bình Minh ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 280 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này thu về 2.156 tỷ đồng doanh thu và 470 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 22% và 18% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 39% mục tiêu doanh thu và 46% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.

Nỗ lực tìm kiếm và áp dụng công nghệ tiên tiến

Đánh giá về triển vọng thị trường trong giai đoạn nửa cuối năm nay, nhiều chuyên gia nhìn nhận, ngành nhựa Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức, nhưng cũng có nhiều cơ hội để phát triển. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành sẽ tích cực hơn khi thị trường bất động sản và xây dựng được cải thiện.

Theo thống kê, mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế. Tuy nhiên, nhựa cũng là một ngành công nghiệp sản xuất và phụ trợ quan trọng, có tiềm năng to lớn bởi sản phẩm nhựa được ứng dụng trong mọi lĩnh vực đời sống. Áp dụng kinh tế tuần hoàn vào lĩnh vực nhựa sẽ mang lại nhiều lợi ích, bao gồm giảm ô nhiễm, giảm phát thải khí nhà kính và tạo sinh kế xanh.

Ngành nhựa Việt Nam được ví như một ngành gia công vì phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu, khoảng 70 - 80%. Trong nhiều năm qua, máy móc thiết bị cũng được nhập khẩu gần như 100%. Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành đang được cải thiện rõ rệt từ cuối năm 2019 và được kỳ vọng trong thời gian tới có thể đáp ứng được 30 - 40% nhu cầu sử dụng trong nước.

Hiện nay, thị trường xuất khẩu truyền thống của các doanh nghiệp nhựa Việt Nam là các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và ASEAN. Trong bối cảnh ngày càng nhiều thị trường yêu cầu báo cáo CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon) và báo cáo bền vững, ngành nhựa Việt Nam cần kích hoạt và khai thác tiềm năng của tín chỉ carbon. Tham gia thị trường tín chỉ carbon, ngành nhựa Việt Nam có thể vừa giảm thiểu tác động đến môi trường, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Ông Win Sim Tan - Trưởng đại diện VERRA khu vực Đông và Đông Nam Á chia sẻ: “Chất thải nhựa đã trở thành mối quan tâm quan trọng đối với các công ty, chính phủ và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Chương trình giảm ô nhiễm rác nhựa của VERRA có thể đánh giá tác động của các dự án thu gom và tái chế chất thải. Các dự án đủ điều kiện được cấp tín chỉ nhựa. Đây cũng là một phương tiện hiệu quả và mạnh mẽ nhằm giảm rác thải nhựa trong môi trường”.

Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường nói chung. Trách nhiệm không chỉ tuân thủ luật pháp mà còn cần đổi mới sáng tạo, cải tiến công nghệ để tối ưu hóa nguyên liệu sản xuất và giảm chất thải.

Trong giai đoạn từ 2023 - 2028, ngành công nghiệp nhựa tái chế của dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) 8,36%. Ngoài ra, ngành nhựa Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt quy mô 409,9 nghìn tấn vào năm 2028.

Các nhà sản xuất của ngành nhựa Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm và áp dụng công nghệ tiên tiến cùng với các loại vật liệu mới nhằm bảo vệ môi trường. Các chiến lược đặt ra sẽ phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, tiến tới một nền sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường.