Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp ngành xây dựng và vật liệu: Tìm kiếm cơ hội trong thách thức

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hành trình năm 2022 với những gam "màu xám" chỉ còn vài tuần nữa sẽ kết thúc, cũng là lúc các DN xây dựng và vật liệu bắt đầu lên kế hoạch, lập chiến lược kinh doanh cho năm 2023.

Kỳ vọng một năm tươi sáng

Trong năm 2022, các DN ngành xây dựng và vật liệu trong nước đối mặt với hàng loạt khó khăn từ giá hàng hóa, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, chuỗi cung ứng bị gián đoạn đến thị trường đầu ra ngưng trệ, tỷ giá gia tăng, trong khi nhu cầu mua sắm, tiêu dùng giảm...

Việc đầu tư dây chuyền hiện đại sẽ giúp các doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất. Ảnh: Thành Luân
Việc đầu tư dây chuyền hiện đại sẽ giúp các doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất. Ảnh: Thành Luân

Theo khảo sát của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), có 78,8% DN ghi nhận chi phí nguyên vật liệu tăng, trong đó 19,7% DN báo cáo khoản chi này tăng đáng kể. Gần 50% DN dự báo tình trạng này còn tiếp diễn đến cuối năm 2023, thậm chí có 38% DN cho rằng tình trạng này sẽ kéo dài sau năm 2023.

Khi Việt Nam mở cửa kinh tế hậu Covid-19, nhiều DN tin rằng tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ được cải thiện trong quý II/2022. Tuy nhiên, các bất ổn chính trị thế giới với xung đột Nga - Ukrain cũng như chính sách "Zero-Covid" của Trung Quốc khiến 77,9% DN lo ngại về rủi ro phát sinh trong chuỗi cung ứng, có thể kéo dài sang năm 2023 và cả sau đó.

Bên cạnh đó, những lo ngại về chính trị, sự bất ổn về tình hình tài chính - tiền tệ trên thế giới đã tác động không nhỏ tới cộng đồng DN Việt. Hiện nay, độ mở của nền kinh tế lên tới 200% GDP, trong khi sức chống chịu và khả năng cạnh tranh của DN còn hạn chế. Có đến 70% DN được khảo sát cho biết đang chịu sức ép từ tỷ giá tăng và gần 60% số DN đối mặt với tình trạng khó khăn về nguồn vốn, lãi suất tăng cao.

Trong khuôn khổ tọa đàm chuyên đề "Ngành xây dựng và vật liệu xây dựng 2023: Cơ hội, thách thức và định hướng phát triển" được tổ chức mới đây, Tổng Giám đốc Saint - Gobain Việt Nam Nguyễn Trường Hải chia sẻ, Saint - Gobain vẫn giữ sự lạc quan thận trọng cho một kịch bản tốt. Đồng thời luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng thích nghi và tìm kiếm cơ hội trong một bối cảnh đầy thách thức.

Tổng Giám đốc NS BlueScope Việt Nam Võ Minh Nhựt nhận định, năm 2022 là một hành trình có 2 chặng đường khác nhau. Trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh doanh của DN rất tốt, mọi thứ đều thuận lợi. Nhưng nửa còn lại trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là quý IV/2022. Với ngành thép, khó khăn đến từ nhiều yếu tố như lượng hàng tồn rất nhiều, tình hình xuất khẩu cũng giảm mạnh, nhu cầu trong nước xuống thấp do nhiều vấn đề về thanh khoản...

"Tổng vốn đầu tư FDI cho sản xuất công nghiệp hiện nay chiếm khoảng 60%. Đầu tháng 11, VCCI dự báo cả vốn FDI và đăng ký FDI vào Việt Nam từ năm 2023 sẽ tăng. Do đó, việc khủng hoảng kinh tế chỉ mang tính giai đoạn, DN cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng” - ông Võ Minh Nhựt cho hay.

Nhiều hướng đi để thích nghi

Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, các DN đã bắt tay vào tái cơ cấu mô hình hoạt động, cắt giảm nhân sự, áp dụng công nghệ vào sản xuất và thi công, từ ứng dụng robot, dữ liệu và các thiết bị thông minh... để có thể thích nghi và thay đổi nhanh chóng.

Phó Giám đốc Công ty TNHH TKA Việt Nam – Nội thất Tháng 5 Trần Thanh cho biết, sau đại dịch đã chứng kiến sự thay đổi trong xu hướng lựa chọn và mua hàng, buộc các DN cần phải thay đổi, áp dụng công nghệ số, trong đó xây dựng thương hiệu, bán hàng đa kênh...

"Năm vừa qua, công ty chúng tôi cũng đã dồn nguồn lực vào phát triển hệ thống nhà xưởng với máy móc tiên tiến, quy trình thanh toán, quản trị nhân sự bằng phần mềm... Đồng thời giữ chân và đào tạo chuyên sâu, nâng cao tay nghề nhân lực công ty" - ông Trần Thanh chia sẻ.

Ngoài ra, xu hướng sống xanh hậu Covid-19 đang dần đi sâu vào tư duy của người tiêu dùng trong nước. Theo Giám đốc Công ty tư vấn công trình xanh Greenviet Đỗ Hữu Nhật Quang, trong thách thức, khó khăn của DN luôn có cơ hội. "Nếu chúng ta tìm tòi, nghiên cứu về mục tiêu xây dựng xanh, tất cả DN đều sẽ có cơ hội trong tương lai" - ông Đỗ Hữu Nhật Quang nói.

Thạc sĩ Luật Kinh tế Lê Sơn Tùng nhận định, năm 2023 vẫn có những thuận lợi, khó khăn song hành cho các DN về ngành xây dựng và vật liệu. Thị trường vẫn sẽ có sự phát triển tại các địa phương, những nơi đô thị hóa. Điều quan trọng là DN sẽ làm gì để đáp ứng, thu hút khách hàng tại những nơi này.

"Mặc dù còn nhiều khó khăn, biến động trong bối cảnh kinh tế, tình hình thế giới có nhiều rủi ro, lạm phát tiếp tục tăng cao, nhưng DN có thể tìm thấy cơ hội ở các tỉnh khi không bị ảnh hưởng quá nhiều, nhu cầu tiêu dùng cho thị trường dân dụng vẫn có" - Thạc sĩ Lê Sơn Tùng cho hay.

 

Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định, trong 10 tháng năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam khá ổn định, các cân đối vĩ mô có triển vọng, lạm phát trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành, đặc biệt ngành thép trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức có khả năng kéo dài đến quý II/2023.