Doanh nghiệp nước ngoài lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Ngọc Lâm - Khắc Kiên - Nguyễn Sơn (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau giai đoạn khó khăn trước tác động của đại dịch Covid-19, các DN có vốn đầu tư nước ngoài đang bước vào giai đoạn phục hồi và tăng trưởng với nhiều kỳ vọng vào triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.

Sau đây là ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị về những ý kiến của các DN nước ngoài đang hoạt động, làm việc tại Việt Nam.

Doanh nghiệp nước ngoài lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam - Ảnh 1

Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho: Cam kết gia tăng đầu tư tại Việt Nam

Nhờ sự hỗ trợ toàn diện của Chính phủ Việt Nam và chính quyền các địa phương, Samsung Việt Nam đã vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19 để được sự tăng trưởng trong năm 2021 vừa qua với doanh thu đạt 74,2 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 65,5 tỷ USD tăng 16% so với năm 2020.

Tiếp theo những thành công này, 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam đạt mức 34,3 tỷ USD, tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2022, Samsung đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 69 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Samsung cũng liên tục gia tăng đầu tư tại Việt Nam. Cụ thể, trong năm nay, Samsung có kế hoạch giải ngân các khoản đầu tư thêm như khoản 1,2 tỷ USD của nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên… Nếu như đến cuối năm 2021 lũy kế số vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam đạt 18,2 tỷ USD, thì đến cuối năm 2022 con số này dự kiến sẽ vượt quá 21,5 tỷ USD.

Chúng tôi không coi Việt Nam chỉ là đối tác thương mại đơn thuần, mà còn như một đối tác kinh tế tương hỗ và bổ sung cho nhau.

Trong 3 năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh đã có rất nhiều khó khăn xảy ra. Tuy nhiên với sự hỗ trợ và đồng hành của Chính phủ Việt Nam, Samsung đã không những khắc phục được những khó khăn đó mà còn gia tăng đầu tư tại Việt Nam, đóng góp vào việc khôi phục kinh tế của Việt Nam sau đại dịch. Trong thời gian tới, Samsung sẽ không thay đổi chiến lược đầu tư tại Việt Nam và cam kết sẽ liên tục gia tăng đầu tư tại Việt Nam.

Doanh nghiệp nước ngoài lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam - Ảnh 2

CEO Sakuko Việt Nam Cao Thị Dung: Kỳ vọng môi trường kinh doanh thuận lợi

Sau đại dịch, Sakuko cũng như các đơn vị kinh doanh khác đang trên đà phục hồi. Chúng tôi không ngừng tăng tốc làm mới chính mình để trở lại một cách nhanh nhất. Điển hình như mảng bán lẻ, sau đại dịch, chúng tôi đã tinh chỉnh lại bộ máy cũng như cách vận hành để tốt hơn về nguồn lực và chi phí. Trải qua 2 năm đại dịch, Sakuko càng thấu hiểu hơn tính cấp thiết của việc chuyển đổi & mở rộng kinh doanh sang nền tảng số.

Thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển vô cùng nhanh khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng chuyển thói quen mua hàng từ các cửa hàng truyền thống sang mua trên các kênh bán hàng trực tuyến như: website, ứng dụng (app). Minh chứng là khi đại dịch diễn ra, khi lệnh giãn cách được áp dụng thì gần như mọi hoạt động kinh doanh của các DN đều chỉ có thể diễn ra trên nền tảng số, đây cũng là gần như chiếc phao cứu sinh giúp các DN sống sót qua đại dịch.

Trên lộ trình phục hồi của mình, chúng tôi cũng như rất nhiều DN vừa và nhỏ khác rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền TP Hà Nội trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm các chi phí mặt hàng thiết yếu như: Điện, nước, xăng dầu, các nguyên liệu đầu vào.

Doanh nghiệp nước ngoài lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam - Ảnh 3

Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam Marko Walde: Lạc quan về triển vọng kinh tế tích cực

Trước những thách thức từ đại dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực duy trì sự cân bằng trước việc đảm bảo sức khỏe cho người dân, cũng như nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và đạt được những kết quả đáng kể. Trong quý II/2022, GRDP của Hà Nội đã tăng 9,5%, và dự kiến sẽ đạt 7 - 7,5% trong năm nay, trong khi GDP của Việt Nam theo dự báo của World Bank cũng sẽ tăng 7%. Gần đây, dù áp lực lạm phát đã tăng cao, Chính phủ Việt Nam vẫn kiểm soát được tình hình và điều chỉnh chính sách tài khóa để giảm áp lực giá cả.

DN Đức vẫn lạc quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam và kỳ vọng vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Theo Khảo sát Triển vọng Kinh tế Thế giới của AHK, có tới 93% số DN Đức sẽ tiếp tục đầu tư tại Việt Nam, và hơn 64% kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ tiến triển tích cực trong vòng 12 tháng tới.

Tác động từ Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) và những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo đảm quyền cơ bản của người lao động và môi trường cũng được xem là cơ sở để Việt Nam duy trì vị thế là một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn trên toàn cầu, cùng với các yếu tố như thị trường lớn với hơn 100 triệu dân, và mức lương trung bình hấp dẫn chỉ bằng 1/5 của Trung Quốc.

Doanh nghiệp nước ngoài lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam - Ảnh 4

Tổng Giám đốc Khách sạn Pan Pacific Hà Nội Kurt Otto Wehinger: Ưu tiên phát triển thị trường du lịch nội địa

Trong quý II và quý III vừa qua, hoạt động kinh doanh của khách sạn tăng trưởng mạnh, chủ yếu do lượng khách du lịch trong nước tăng cao. Triển vọng kinh doanh trong tháng 10 và tháng 11 là rất khả quan, chúng tôi hy vọng năm 2022 sẽ kết thúc với kết quả tốt.

Chúng tôi rất vui khi biết rằng, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã xây dựng ba phân khúc thị trường mới, gồm y tế, thể thao và du lịch kết hợp sự kiện hội thảo - hội nghị - triển lãm (MICE tourism, gọi tắt là du lịch sự kiện). Trong đó, du lịch sự kiện là một sự bổ sung lớn cho thị trường du lịch, giải trí của Hà Nội vốn đang thiếu những sản phẩm độc đáo.

Trong hai năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã tàn phá hoạt động kinh doanh của ngành du lịch khách sạn. Ngay trong tháng 10 này, lượng khách du lịch quốc tế cũng thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, nhưng may mắn là chúng tôi lại hưởng lợi từ hoạt động du lịch trong nước. Điều này cho thấy thị trường nội địa, gồm các DN địa phương và du khách trong nước, sẽ có vai trò rất quan trọng cho năm nay và các năm tiếp theo đối với ngành du lịch.

Doanh nghiệp nước ngoài lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam - Ảnh 5

Tổng Giám đốc Panasonic Appliances Việt Nam Masato Sasaki: Lập kế hoạch đầu tư cho tương lai

Nhìn chung, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã bị ảnh hưởng do làn sóng dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhưng nền kinh tế đang dần hồi phục và chúng tôi kỳ vọng rằng nhu cầu mua sắm thiết bị gia dụng sẽ gia tăng. Cùng với đó, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng các kế hoạch phát triển trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải đối mặt với các vấn đề như chi phí nguyên liệu và chi phí vận chuyển tăng cao, tỷ giá hối đoái suy giảm và sự thay đổi trong tâm lý mua hàng của khách hàng… Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch đầu tư mạnh mẽ cho tương lai, nhưng sẽ cẩn trọng với những quyết định này.

Để tạo điều kiện hơn nữa cho các DN phát triển, chúng tôi có một vài khuyến nghị như sau: Về mặt chính sách, chúng tôi hy vọng cắt giảm thuế đầu tư và nới lỏng các quy định về mật độ xây dựng đối với các lô đất xây dựng nhà máy. Về hỗ trợ hoạt động của DN, cần tăng cường chuỗi cung ứng và thu hút đầu tư nước ngoài (Nhật Bản, Trung Quốc...).

Ngoài ra, chúng tôi khuyến nghị một số đề xuất như sau: Đảm bảo nguồn nhân lực R&D (không chỉ trong lĩnh vực công nghệ thông tin mà cả trong ngành thiết bị gia dụng); giảm bớt ùn tắc giao thông, đẩy mạnh ý thức chấp hành luật giao thông và phòng tránh tai nạn giao thông; tạo điều kiện để thủ tục xin visa, gia hạn visa cho người nước ngoài diễn ra nhanh chóng hơn và hỗ trợ nhà ở giá rẻ cho công nhân.