Doanh nghiệp phải đề cao trách nhiệm sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nhập khẩu đòi hỏi các DN phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, song hành là các giải pháp siết chặt quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) từ phía Nhà nước.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Đây là một trong những nội dung chính của hội thảo "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 30/6.

Đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật xuất khẩu

Hiện nay, hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã xuất khẩu sang hàng trăm quốc gia trên thế giới, trong đó, có những thị trường khó tính nhất. Tuy nhiên, việc đáp ứng quy định kỹ thuật của một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong lĩnh vực an toàn thực phẩm vẫn luôn là vấn đề cần được chú trọng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội thảo
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội thảo

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) Nguyễn Việt Tấn thông tin, thương mại quốc tế giữa các quốc gia, khu vực nói chung bị điều chỉnh bởi hệ thống các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký kết ở cấp độ song phương hoặc đa phương.

Bên cạnh đó, bất kỳ sản phẩm, hàng hóa xuất nhập khẩu còn bị điều chỉnh bởi hệ thống các quy định của mỗi quốc gia. Các hệ thống quy định tại FTA hay tại quy định quốc gia thông thường sẽ bao gồm “hàng rào phi quan thuế” và “hàng rào thuế quan”.

Theo ông Nguyễn Việt Tấn, để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín của mình, DN xuất khẩu cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về các quy định, biện pháp hàng rào kỹ thuật trong thương mại (biện pháp TBT) và biện pháp an toàn, vệ sinh động thực vật (biện pháp SPS) liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn. Bởi điều này sẽ giảm thiểu tối đa cho DN về thời gian, chi phí.

“Thực tế hiện nay, các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết và thực thi đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy thương mại của Việt Nam, song với các yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam cũng cần đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn” - ông Nguyễn Việt Tấn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Icheck Nguyễn Văn Chính dẫn chứng, với cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), DN cần có sự thay đổi trong sản xuất, chuẩn hóa chuỗi giá trị để đáp ứng được yêu cầu mà các nước EU đặt ra tại Hiệp định này.

Đơn cử như nông sản, dù EVFTA có ưu đãi với những quy định về biện pháp kiểm dịch động thực vật linh hoạt nhưng EU còn có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó. Nếu không nâng cấp được chất lượng hàng xuất khẩu và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của EU, đặc biệt là về truy xuất nguồn gốc, các DN sẽ không tận dụng được tối đa ưu đãi do EVFTA mang lại.

Xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm an toàn

Đưa ra giải pháp chiến lược để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATTP đối với các kênh tiêu dùng truyền thống, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Thị Việt Nga thông tin: “Về dài hạn, chúng ta phải thực hiện chiến lược phát triển thương mại, trong đó, trọng tâm là phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, hiện đại. Hiện, Vụ Thị trường trong nước đã và đang thực hiện các chương trình hành động nhằm tạo đột phá về kinh doanh thực phẩm tại chợ truyền thống, chợ dân sinh”.

Các chuyên gia, nhà quản lý thảo luận tại hội thảo.
Các chuyên gia, nhà quản lý thảo luận tại hội thảo.

Vụ Thị trường trong nước đã tham mưu cho Bộ Công Thương đề xuất để Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý chợ trong tình hình mới, cũng như tìm nguồn lực cải thiện hạ tầng chợ truyền thống, xanh sạch đẹp. Cùng với Ngân sách Nhà nước, rất cần sự ủng hộ của DN, hợp tác xã trong việc huy động nguồn vốn cải tạo hạ tầng chợ, từ đó, từng bước chuyển đổi phương thức quản lý chợ truyền thống, đảm bảo các tiêu chí về ATTP, mở rộng thêm chợ ATTP, có hạ tầng xanh sạch đẹp.

Đề cập đến vấn đề nổi cộm hiện nay là quản lý ATTP trên môi trường thương mại điện tử, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, Cục đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hành lang pháp lý nhằm siết chặt quản lý đối với lĩnh vực này.

Cụ thể, tăng cường công tác giám sát hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là rà soát các sàn thương mại điện tử, website... và cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan để kịp thời xử lý vi phạm, bảo vệ người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Cục sẽ phối hợp các cơ quan, địa phương để tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0. Ngoài ra, Cục phối hợp với các đối tác để truy xuất nguồn gốc sản xuất, triển khai gian hàng trực tuyến quốc gia trên sàn thương mại điện tử nhằm giúp người dân tiếp cận sản phẩm hiệu quả. Mặt khác, tăng cường tuyên truyền, kêu gọi, khuyến khích DN, người tiêu dùng chung tay sản xuất và tiêu dùng thực phẩm an toàn.

“Thương mại điện tử là lĩnh vực giao thoa của rất nhiều bộ ngành, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường để góp ý Đề án chống gian lận thương mại và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử nói chung và thực phẩm nói riêng” - bà Nguyễn Thị Minh Huyền nhấn mạnh.

 

"Các DN cần tiếp tục triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát ATTP ngay từ những yếu tố đầu vào, đồng thời, liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên toàn quốc, đảm bảo nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu." - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải