Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp Pháp kì vọng phê duyệt đề án chợ đầu mối nông sản Gia Lâm

Huy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án chợ đầu mối nông sản quốc tế tại Gia Lâm được thiết kế với diện tích 100ha và chi phí đầu tư hơn 7.100 tỷ đồng.

Tập đoàn Semmaris (Pháp) đặt kì vọng Hà Nội sẽ sớm phê duyệt báo cáo khả thi dự án xây dựng chợ đầu mối nông sản quốc tế tại quận Gia Lâm, đại diện tập đoàn nói ngày 4/10.

Lực lượng chức năng kiểm tra các tiểu thương tại chợ Long Biên, một trong bốn chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội.
Lực lượng chức năng kiểm tra các tiểu thương tại chợ Long Biên, một trong bốn chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội.

Tại lễ tổng kết nghiên cứu xây dựng chợ đầu mối tại Hà Nội được tổ chức ở Đại sứ quán Pháp (Hà Nội), ông Bertrand Ambroise, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Semmaris, cho biết dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 7.100 tỷ đồng.

Dự án chợ đầu mối Gia Lâm sẽ có diện tích khoảng 100 héc-ta, chia làm hai phân khu chính là kho trữ lạnh và chợ bán buôn. Phân khu chợ sẽ được chia thành năm khu vực nhỏ, tương ứng với các sản phẩm rau củ, quả, thịt, cá, và dịch vụ.

Dự án này được khởi động vào đầu tháng 4/2019. Trải qua bốn năm thực hiện, Tập đoàn Semmaris đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi. Sở Công thương Hà Nội đã báo cáo với Đảng ủy, UBND Thành phố Hà Nội, và đang chờ chủ trương về vấn đề này.

“Với kinh nghiệm của mình, chúng tôi hi vọng sẽ hỗ trợ Hà Nội phát triển một khu chợ đầu mối hiện đại, qua đó giải quyết vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, và đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định cho thành phố,” ông Bertrand phát biểu.

Theo ông Bertrand, Hà Nội là thành phố có vị trí địa lí chiến lược để phát triển mạng lưới thực phẩm và giao vận (logistics). Đi kèm với các lợi thế này, Hà Nội có những thách thức lớn phải đối mặt liên quan đến an ninh lương thực, thực phẩm và an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Đại diện Tập đoàn Semmaris khuyến nghị để nâng cao chất lượng sống tại Hà Nội, thành phố cần đóng cửa các cơ sở phân phối, sản xuất thực phẩm không đủ tiêu chuẩn, và đưa các tiểu thương vào hệ thống bán buôn hiện đại.

“Quận Gia Lâm hội tụ mọi điều kiện thuận lợi để xây dựng chợ đầu mối vì đây là khu vực có kết nối tốt với các tỉnh, thành lân cận thông qua mạng lưới đường bộ, đường thủy, đường sắt và hàng không hoàn chỉnh,” vị lãnh đạo doanh nghiệp Pháp khẳng định.

Tại lễ tổng kết, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho biết qua bốn năm thực hiện, dù phải đối mặt với những khó khăn bởi đại dịch Covid-19, Tập đoàn Semmaris và UBND TP Hà Nội đã nỗ lực hết sức để hoàn thành giai đoạn nghiên cứu khả thi của dự án.

“Hà Nội rất cần phát triển một chợ đầu mối nông sản quốc tế mới, hiện đại để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân thành phố, đảm bảo giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành trong nước cũng như với Paris,” bà Lan phát biểu.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cũng trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, các cơ quan Pháp, và Tập đoàn Vingroup trong việc thực hiện dự án.

“Hà Nội sẽ tích hợp thông tin dự án chợ đầu mối nông sản quốc tế Gia Lâm trong Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030 với tầm nhìn đến 2050. Thành phố dự kiến sẽ trình quy hoạch năm sau,” bà Lan thông tin.

Thêm vào đó, các sở, ban, ngành Hà Nội sẽ kêu gọi các nhà đầu tư cá nhân, nguồn vốn xã hội hóa tham gia xây dựng chợ đầu mối. Bà Lan kì vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, Đại sứ quán và doanh nghiệp Pháp trong quá trình thực hiện dự án, qua đó tăng cường mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia và hai thủ đô.

Phát biểu tại lễ tổng kết, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet hi vọng rằng dự án sẽ không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tại Thủ đô, mà còn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

Việc hoàn thành nghiên cứu khả thi dự án là bước đầu tiên trên hành trình đến sự hình thành một khu chợ đầu mối nông sản mang tiêu chuẩn quốc tế tại Hà Nội, đại sứ Pháp cho biết.

“Đại sứ quán Pháp và Tập đoàn Semmaris rất quan tâm đến dự án này, và mong rằng báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ sớm được các cơ quan Hà Nội phê duyệt”.

Hà Nội hiện có bốn khu chợ đầu mối ở Minh Khai, Yên Sở, Long Biên, và chợ đầu mối phía Nam. Bốn khu chợ này tập trung vào các sản phẩm rau củ, quả và thực phẩm tươi sống.