Lấy đà phục hồi Chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa là kết thúc năm 2021, dù đã trễ nhịp thị trường, cơ hội đã phần nào qua đi nhưng các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP vẫn sẵn sàng tâm thế phục hồi sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát tốt. Một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ, DN bắt đầu mở cửa hoạt động trở lại; lực lượng lao động tại các DN cũng được huy động tăng dần lên, cán cân cung - cầu đang dần lấy lại thế cân bằng.Tại Công ty CP Công nghệ cao Thái Minh (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai), từ chỗ chỉ có khoảng 40% lao động thực hiện “3 tại chỗ”, việc Hà Nội phân loại mức độ nguy cơ theo từng vùng đến nay đã giúp DN tăng lên được 90%. Theo ông Đỗ Việt Hà - Giám đốc công ty, việc phân chia các vùng mức độ nguy cơ trong phòng, chống dịch đã giúp tháo gỡ một phần khó khăn về lao động cho DN.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May 10 Thân Đức Việt cho biết, hơn 40 ngày qua khi Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, dẫn đến gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt đối với lĩnh vực xuất khẩu và may mặc của DN. Cho đến ngày 6/9, Hà Nội chính thức áp dụng Chỉ thị 15, 15+ và 16+. Một thực tế mà DN, người dân thấy rõ, chỉ có ca nhiễm ở một khu vực mà phong tỏa toàn TP sẽ ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội và các DN. Khi phân làm 3 vùng sẽ giúp cho các DN trong vùng an toàn và nguy cơ thấp vẫn có thể duy trì sản xuất an toàn.
Hiện tại, May 10 đang trong "vùng cam" nên vẫn được hoạt động sản xuất bình thường và đảm bảo cho DN không bị động về nhân lực, tạo cơ hội thúc đẩy tiến độ giao hàng đúng theo hợp đồng đã ký kết tới các khách hàng trên toàn cầu. Qua đó, bù đắp được khoảng trống do lùi thời hạn giao hàng. Đây là phương pháp rất hợp lý để khoanh vùng dập dịch mà vẫn đảm bảo phát triển kinh tế.
“Cùng với các biện pháp phòng chống dịch, May 10 đã triển khai tốt việc tuyên truyền phương án phòng, chống dịch thường xuyên, liên tục đến từng người lao động, qua đó lan tỏa tinh thần chống dịch của từng cá nhân đến với gia đình và những người xung quanh họ” - ông Thân Đức Việt nói.Uyển chuyển thích nghiTổng Giám đốc Tổng Công ty CP May 10 Thân Đức Việt cho biết, sống chung với đại dịch, ổn định sản xuất, May 10 vẫn áp dụng triệt để theo các kịch bản về công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc và xử lý tình huống trong tình trạng khẩn cấp. Thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại đơn vị. Đặc biệt, phối hợp với các cấp chính quyền để tiêm vaccine (mũi 2 tại Hà Nội), tiến tới toàn bộ người lao động tại 7 tỉnh, thành có các nhà máy của May 10 đang hoạt động. Cùng chung quan điểm này, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP M2 Việt Nam Nguyễn Hải Đường cho biết, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến ngành dệt may đang gặp nhiều khó khăn... Trong tình thế hiện tại, nhà máy dệt may M2F đã chủ động xây dựng kịch bản để ứng phó với dịch bệnh một cách linh hoạt và hiệu quả, bảo đảm an toàn sức khỏe cho toàn thể người lao động. M2F yêu cầu người lao động tuân thủ triệt để quy định 5K khi làm việc hay thậm chí là giải lao. Các bàn ăn đều sử dụng vách ngăn và giới hạn tối đa 4 người, trên bàn luôn có poster tuyên truyền để nhắc nhở người lao động về quy định phòng dịch.
Ngoài ra, ban lãnh đạo M2F cũng đưa ra nhiều phương án phát triển để không rơi vào thế bị động, cùng xây dựng xã hội “bình thường mới”, chuẩn bị sẵn tâm thế để có thể bắt nhịp ngay sau khi hết giãn cách. M2F không còn thực hiện kế hoạch theo quý, theo tháng, thậm chí cho cả năm, bây giờ kế hoạch có thể thay đổi từng ngày, từng giờ tùy theo diễn biến thực tế. Ngoài ra, M2F cũng nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để người lao động được sản xuất các sản phẩm chủ lực, mang lại hiệu quả cao; tìm cách cùng các DN khác tăng cường liên kết chuỗi trong sản xuất, từ khâu kéo sợi, dệt, nhuộm để các đơn vị trong chuỗi cùng ổn định và phát triển.
Là DN với thương hiệu Phở tươi và Phở khô Hà Thành, Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Song Phương Nguyễn Thị Phương nhìn nhận, sau giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm, nông sản sẽ bình ổn trở lại nhưng nhu cầu cũng sẽ không lớn. Vì vậy, việc khôi phục sản xuất thế nào là bài toán cần phải được tính tới ngay từ bây giờ, tránh tình cảnh lúc cầu tăng thì cung lại thiếu. Chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu bị đứt gãy trong dịch dẫn đến thiếu hụt đẩy giá thành tăng. Nguồn nhân lực cũng vậy và phải tuyển mới để đào tạo lại từ đầu do người lao động trở về quê tránh dịch. Nguồn thu nhập của người tiêu dùng bị ảnh hưởng khá lớn, đặc biệt là những lao động tự do, hoặc nằm ngoài danh mục thiết yếu... nên sẽ thắt chặt chi tiêu hơn.
Theo tính toán, sản phẩm ra thị trường có sự thay đổi về giá thành vì nguồn cung nguyên liệu đầu vào tăng đang là bài toán khó. Do đó, Song Phương vừa cắt giảm tối đa chi phí sản xuất để giữ nguyên được giá thành, vừa đưa ra những sản phẩm mới có giá cạnh tranh nhưng chất lượng vẫn đảm bảo sau giãn cách, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệpTrong phiên họp trực tuyến của Sở Chỉ huy công tác phòng, chống Covid-19 với các sở ngành, quận, huyện, xã phường chiều 12/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, sau ngày 21/9, TP Hà Nội sẽ không thực hiện phân vùng như hiện nay. Dự kiến những loại hình dịch vụ, kinh tế đã tạm dừng hoạt động cuối cùng trong thời gian giãn cách sẽ được UBND TP Hà Nội cho phép mở cửa trở lại đầu tiên, nguyên nhân là do những loại hình dịch vụ, sản xuất hoạt động an toàn nhất trước khi TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Việc xây dựng, triển khai kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới phải được Thành ủy phê duyệt mới đưa vào thực hiện.
Theo đó, các địa phương phải tính toán, nghiên cứu, sớm có định hướng cho giai đoạn chống dịch sau ngày 21/9. Đối với vùng 2, vùng 3, chính quyền địa phương phải tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất, xây dựng trong điều kiện kiểm soát tình hình dịch bệnh chặt chẽ. Cùng với đó, các quận, huyện, các ngành phải chủ động xây dựng phương án để phục hồi kinh tế, dịch vụ, để đến khi TP có quyết định nới lỏng giãn cách xã hội thì bắt tay ngay vào triển khai, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở NN&PTNT, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch phục hồi và thúc đẩy kinh tế bám sát theo tiến độ khống chế dịch bệnh trên từng địa bàn của TP.
Cụ thể tại các khu vực có nguy cơ thấp duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh; ở những nơi có đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”; từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất tại các địa bàn kết thúc giãn cách xã hội, đảm bảo an toàn và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Tại các khu vực nguy cơ cao tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội. Đồng thời phối hợp với Sở GTVT bảo đảm hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa thông suốt.
"Nền kinh tế không thể đợi đến khi chúng ta kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh. Vì số ca nhiễm vẫn đang gia tăng, số lượng bệnh nhân nặng và tỷ lệ tử vong trên số ca F0 vẫn chiếm một tỷ lệ khá lớn, cao hơn mức trung bình của thế giới. Do đó, Hà Nội cần có những biện pháp linh hoạt hơn, mạnh dạn hơn để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo "mục tiêu kép" đã đề ra." - Phó Chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) Mạc Quốc Anh |