Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp startup và sự liêm chính

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy năm gần đây, làn sóng khởi nghiệp ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) không những gia tăng về số lượng mà còn tạo ra khối lượng sản phẩm đáng kể. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các startup Việt Nam đa phần chỉ lo làm giải pháp, làm sản phẩm mà hầu như không để tâm tới các hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ, những điều làm nên tính liêm chính của một doanh nghiệp (DN).

Toàn cảnh Diễn đàn Khởi nghiệp ASEAN 2020.
Thất bại vì không trung thực
Mấy năm gần đây, liên tục có các startup vừa đi vào hoạt động kinh doanh đã phá sản; thậm chí có cả những startup xây dựng thành công mô hình kinh doanh, sản phẩm được nhiều người biết đến cũng đi vào đường cùng vì thua lỗ, không tìm được nhà đầu tư để duy trì.

Tháng 5/2020, startup chuyên bán hàng hiệu giảm giá Leflair tại Việt Nam, sau những thương vụ gọi vốn đình đám cũng bị tố lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các đối tác và khách hàng, dẫn đến không tồn tại được.

Ngay tại chương trình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank) Việt Nam, kết thúc mỗi mùa giải, có tới hàng chục startup nhận được cam kết rót vốn của các cá mập trên truyền hình, song thực tế chỉ có khoảng một nửa trong số ấy được rót vốn thực sự. Nguyên nhân có nhiều, song có một thực tế là không ít DN startup đã thiếu trung thực.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong giai đoạn 2016 - 2019, mỗi năm Việt Nam có trên 126.000 DN thành lập mới, tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011- 2015. Hiện tại, ở nước ta có khoảng trên 3.000 DN startup. Theo đánh giá của Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia, Việt Nam đang đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng DN khởi nghiệp, Top 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu.

Song, mặc dù tinh thần khởi nghiệp được xếp vào nhóm cao trên thế giới, nhưng Việt Nam lại nằm trong số 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất, chỉ có khoảng 3% được gọi là thành công. Như vậy, khoảng cách giữa khát vọng, ý chí và hành động cụ thể là quá lớn.

Kết quả khảo sát của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra vào cuối năm 2019 tại hội thảo “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp”, Việt Nam có chưa đến 10% DN startup thành công. Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ thành công của DN khởi nghiệp thấp, trong đó có yếu tố liêm chính trong kinh doanh.

Trước thực trạng này, VCCI đã nghiên cứu và cho ra đời Bộ tiêu chí “Liêm chính trong kinh doanh cho Nhà đầu tư và DN khởi nghiệp”. Tháng 7/2020, Bộ tiêu chí được ra mắt và đưa vào áp dụng. Đây là bộ công cụ giúp lựa chọn DN để đầu tư, chia sẻ về những điều kiện kinh doanh liêm chính để thẩm định dự án đầu tư cho DN startup.

Theo bà Nguyễn Phi Vân - tác giả của bộ công cụ, các nhà sáng lập startup Việt Nam hầu hết là những người làm sản phẩm và đa phần là những người trẻ, hơn một nửa nằm trong độ tuổi 18 - 34. Họ có thể rất giỏi trong việc làm ra sản phẩm nhưng rất ít người nắm được các kỹ năng điều hành doanh nghiệp, trong đó có việc xử lý thủ tục hành chính, thực hiện chính sách thuế, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ… Nếu không có năng lực, kinh nghiệm và kết nối, rất có thể họ sẽ sử dụng những phương cách phi chính thức.

Liêm chính là lợi thế

Tại Diễn đàn Khởi nghiệp ASEAN 2020 diễn ra ngày 16/10 ở Hà Nội, các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện DN cho rằng, DN startup nếu liêm chính đầy đủ, có sổ sách minh bạch, đảm bảo bảng kiểm về liêm chính sẽ thu hút được nhà đầu tư.

Theo đó, bà Đậu Thúy Hà - đồng sáng lập Công ty Cổ phần OMT cho biết, suốt quá trình hoạt động, DN này luôn chú trọng đảm bảo liêm chính trong kinh doanh. “DN đã tập trung vào các giải pháp ứng dụng công nghệ tại trường học. Chúng tôi cũng làm việc với các nhà đầu tư, minh bạch trong hợp tác. Đối tác của chúng tôi có thể kiểm tra các thông số kỹ thuật về chất lượng giải pháp cung cấp, hoạt động quản lý ngay tại hệ thống Google Analytics. Chính điều này đã hấp dẫn được lượng lớn các nhà đầu tư” - bà Hà chia sẻ.

Về vấn đề này, ông Mohamed Yusnee Rahmat Mohd, Giám đốc Chương trình Đối tác quốc tế & Trung tâm doanh nhân ASEAN (ACE), MaGIC cho biết: “Theo bảng xếp hạng liêm chính thì các nước ASEAN đều xếp mức dưới 50, trung bình mức điểm 43. Do đó, chúng ta còn nhiều việc để làm nhằm thúc đẩy kinh doanh liêm chính. Các DN khởi nghiệp nhiều khi nghĩ liêm chính và minh bạch kinh doanh như một gánh nặng. Tuy nhiên không phải vậy, chúng ta cần có sự khởi đầu đúng hướng”.

Đồng quan điểm, ông Stephen Taylor - Trưởng phòng chính trị, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam cho biết, tại Anh, quốc gia này hỗ trợ các doanh nhân trẻ tiếp cận những thông tin, những bộ công cụ thực hiện liêm chính trong hoạt động kinh doanh của mình. Để hỗ trợ cho quá trình này tại Việt Nam, ông Stephen Taylor đề nghị có cơ cấu pháp lý hợp lý để phòng chống tham nhũng, đồng thời thúc đẩy chương trình một cửa, tăng cường Chính phủ điện tử, thanh toán điện tử… góp phần tích cực chống tham nhũng.

Theo bà Caitlin Wiesen - Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam: “Với tỷ lệ khởi nghiệp cao trong khu vực ASEAN và động lực đổi mới phát triển DN, chắc chắn những doanh nhân trẻ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong hành trình phục hồi kinh tế xã hội sau Covid-19, thậm chí còn đẩy nhanh tiến trình này trong khu vực. Hỗ trợ DN khởi nghiệp và doanh nhân trẻ trong việc đảm bảo tính liêm chính trong kinh doanh và thúc đẩy hoạt động kinh doanh bền vững, chúng ta sẽ không chỉ đóng góp vào xây dựng lại nền kinh tế mà còn đạt được một nền văn hóa xã hội đặt quan tâm hàng đầu vào tương lai bền vững hơn cho tất cả mọi người”.

Để tiêu chí liêm chính được áp dụng rộng rãi và mạnh mẽ trong khối DN, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng, Covid-19 là một “sự thức tỉnh”. Thế giới sau Covid-19 sẽ không còn là thế giới của ngày hôm qua. Ở thế giới mới đó, phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm phải được thượng tôn. Khởi nghiệp và tinh thần khởi nghiệp phải là tâm thế của mọi DN, bao gồm cả DN mới và DN đã, đang hoạt động. Theo đó, mãi mãi là khởi nghiệp để chúng ta có thế giới trường tồn, đồng thời liêm chính phải được đặt vào trái tim mỗi doanh nhân. Muốn kinh doanh có hiệu quả phải để sáng tạo trong bộ não của mình, và phải đặt minh bạch trong yêu cầu đầu tiên của mỗi DN.
Trong lịch sử của ASEAN, đã có những con hổ kinh tế mới, vậy tại sao trong thế kỷ này, chúng ta không tạo ra những "vương quốc" khởi nghiệp hàng đầu ở ASEAN?

Chủ tịch VCCI -TS Vũ Tiến Lộc
Điều kiện tiên quyết để chọn DN đầu tư là phải kinh doanh liêm chính. Bởi chỉ khi kinh doanh liêm chính, DN mới tạo được sự minh bạch cho đối tác, cổ đông, nhà đầu tư và khách hàng. Như vậy, DN mới có thể phát triển bền vững.

Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Thiên thần Việt Nam, cố vấn đổi mới sáng tạo của Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ) - bà Nguyễn Phi Vân
Hành trình khởi nghiệp rất lâu dài, cần người đồng hành. Sự liêm chính là giá trị đầu tiên để có thể đồng hành. Liêm chính ngay từ khi khởi nghiệp sẽ ngăn chặn được các sai phạm có thể xảy ra trong tương lai.

Chuyên gia cố vấn về đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp của Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP); đồng sáng lập - điều hành FiNNO Venture; Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia - ông Trương Thanh Hùng