Giảm giá lần thứ 8
Ngày 14/7, nhiều hãng thép giảm giá bán thành phẩm. Với thương hiệu thép Hòa Phát tại miền Bắc, dòng thép cuộn CB240 ở mức 16.240 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có mức giá 16.600 đồng/kg. Còn với thép Việt Ý, 2 sản phẩm của hãng gồm thép cuộn CB240 ở mức 16.160 đồng/kg; dòng thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.560 đồng/kg. Mức giá trên đã được điều chỉnh khi mới đây (ngày 8/7) các DN sản xuất thép xây dựng đã giảm giá bán lần thứ 8 chỉ trong vòng 2 tháng trở lại đây, với tổng giá giảm gần 4.000 đồng, từ đỉnh xấp xỉ 20.000 đồng/kg xuống còn hơn 16.000 đồng/kg.
Trong đợt giảm lần này, thép Việt Nhật đã có mức giảm mạnh nhất. Hiện giá bán sau điều chỉnh gồm thép cuộn CB240 xuống mức 16.160 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.360 đồng/kg. Cũng trong đợt giảm này, chỉ duy nhất thép Pomina là thương hiệu giữ được giá thép xây dựng ở mức hơn 17.000 đồng/kg.
Lý giải cho sự điều chỉnh giảm này, Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, ngành thép bị ảnh hưởng trực tiếp về sản lượng do bất động sản chưa hồi phục như kỳ vọng do các chính sách kiểm soát tín dụng. Trong khi đó, lượng thép tồn kho nội địa đến hết tháng đã đạt mức kỷ lục gần 1,5 triệu tấn. Việc lượng hàng tồn kho quá cao đã khiến các công ty thép buộc hạ giá bán nhằm kích cầu.
Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam Trịnh Tiến Anh cho hay, đơn vị đang trong giai đoạn khó khăn, lượng hàng bán ra thấp, "mấp mé" thua lỗ. “Thời điểm này, do nhu cầu về thép xây dựng thấp nên hàng tồn kho rất cao. Chúng tôi bắt buộc phải phải cắt giảm sản xuất từ 3 ca/ngày xuống còn 2 ca/ngày, thậm chí có những giai đoạn phải dừng sản xuất, thiệt hại rất lớn đến DN khi chi phí rất cao” - ông Tiến Anh chia sẻ.
Ông Lê Hoàng Giang - chủ một đại lý phân phối thép tại Đông Anh thông tin, mặc dù giá thép giảm nhưng vẫn khó bán do mùa cao điểm xây dựng đã qua. Các loại vật liệu xây dựng khác như xi măng, cát... đều tăng giá khiến người dân, DN có kế hoạch xây nhà, dự án đều phải tính toán lại, chờ đợi cho đến khi hạ nhiệt.
"Việc kinh doanh sắt, thép phụ thuộc rất nhiều vào thị trường bất động sản cũng như việc xây mới, sửa chữa nhà ở của người dân. Đặc biệt, giai đoạn từ tháng 6 - 9 hàng năm là mùa mưa nên hoạt động xây dựng bị chậm lại đáng kể. Do vậy, tồn kho thép của nhiều đại lý tăng cao hơn bình thường" - ông Lê Hoàng Giang cho biết.
Vẫn còn những khó khăn
Ngành thép của Việt Nam cơ bản phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite… nên khi giá các nguyên liệu đầu vào biến động sẽ làm giá thép thành phẩm trong nước phải điều chỉnh theo thị trường thế giới. Tính đến ngày 1/6, giá phôi thép vuông tại cảng Đông Á dao động 650 USD/tấn CFR, giảm gần 100 USD/tấn so với cuối tháng 4.
Tương tự, giá thép phế giảm 75 USD/tấn, xuống còn 495 USD/tấn. Cùng với giá nguyên vật liệu, khủng hoảng dư cung ở thị trường thép Trung Quốc cũng dồn lực, kéo giá thép xây dựng của Việt Nam giảm.
Nói về triển vọng ngành thép từ nay đến cuối năm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long đã đưa ra nhận định, năm 2022 hoạt động của ngành thép sẽ gặp nhiều khó khăn. Những sự kiện như xung đột Nga – Ukraine đang làm đứt mạch tăng trưởng của ngành thép, đảo lộn kế hoạch kinh doanh và mục tiêu lợi nhuận của DN. “Từ nay đến cuối năm, giá thép có thể tiếp tục giảm. Đó là vì sao tôi thận trọng trong kế hoạch kinh doanh năm 2022” - ông Trần Đình Long nói.
Tại tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn để ngành thép phát triển bền vững”, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa nhận định, 2022 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức với DN ngành thép Việt Nam. Hiện giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất thép (than, dầu, khí…) đều tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm liên tục giảm, dẫn đến tiêu thụ chậm, hàng tồn kho lớn. Trong khi đó, ngân hàng mạnh tay siết chặt tín dụng cho vay bất động sản, giải ngân vốn đầu tư công chậm… cũng tác động tiêu cực đến ngành thép Việt Nam thời gian qua.
“Tôi hy vọng rằng, với kinh nghiệm đã tích lũy được khi ứng phó với những "cú sốc" của thị trường, các DN thép của Việt Nam sẽ tìm ra những giải pháp, đặc biệt có những giải pháp sáng tạo để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, giữ vững hiệu quả” - ông Nghiêm Xuân Đa cho biết.
Thông tin từ Bộ Công Thương, trong năm 2022, Việt Nam phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế khoảng 6 - 6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn… Giá quặng sắt, thép phế, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc… vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các DN sản xuất thép và thị trường thép trong nước.