Gỡ khó dòng tiền cho doanh nghiệp
Theo Thông tư 06/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, các ngân hàng kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ với DN khó khăn thêm 6 tháng, tức là đến hết 31/12 năm nay thay vì kết thúc vào ngày 30/6. Các DN cho biết có Thông tư cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ giúp DN "thở phào" trước nỗi lo nhảy nhóm nợ trước mắt.
Theo Tổng Giám đốc Việt Thắng Jeans Phạm Văn Việt, hiện những khoản nợ cũ đã đến hạn hoặc chuẩn bị đáo hạn đang là một áp lực rất lớn đối với DN dệt may. Trong bối cảnh kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, doanh nghiệp vẫn gặp khó, việc kéo dài hỗ trợ cơ cấu nợ đến hết năm 2024 là cần thiết. “Chậm trả nợ cũng sẽ giúp DN thêm cơ hội vượt qua khó khăn”- ông Việt bày tỏ.
Bà Nguyễn Kim Oanh - Giám đốc công ty xuất nhập khẩu may mặc cho biết, hàng tồn kho nhiều, dòng tiền về chậm trong khi hàng loạt chi phí vận hành, chi trả lương không thể hoãn khiến DN nặng gánh hai đầu đó là dòng tiền và nguy cơ nhảy nhóm nợ. “Khi được giãn, hoãn nợ, không chỉ giúp DN giảm bớt áp lực tài chính, mà còn giúp tăng cơ hội tiếp cận vốn. Bởi nếu bị chuyển sang nhóm nợ xấu, DN sẽ khó có thể vay thêm vốn cho sản xuất kinh doanh”- bà Oanh chia sẻ.
Với các DN ngành xây dựng, theo Hiệp hội bất động sản Việt Nam, thời gian qua do quá khó khăn về dòng tiền, các nhà thầu chấp nhận lỗ vẫn phải nhận thầu để có tiền trả ngân hàng, tránh trường hợp rơi vào danh sách nợ xấu. Do đó nhiều DN đều mong muốn sớm được giãn, hoãn các khoản nợ để có cơ hội "làm lại" khi kinh tế khá lên.
Tổng Giám đốc, Công ty Thương mại và Sản xuất Tuấn Minh Lê Mai (DN xuất khẩu trong ngành quế) bắt đầu có nhiều đơn hàng hơn trong năm nay, dự kiến sẽ tăng khoảng 20%. Do đó, họ cần lượng vốn lớn để duy trì sản xuất. Theo DN, với đà phục hồi kinh tế hiện nay, nếu được giãn, hoãn thời gian trả nợ sẽ giúp cho đơn vị giảm bớt áp lực tài chính.
Theo NHNN, đến hết năm 2023, đã có gần 188.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu hơn 183.000 tỷ đồng. Theo NHNN, kinh tế vĩ mô những tháng đầu năm cơ bản ổn định, kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, dự báo tiếp tục kéo dài trong năm 2024. Việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ sẽ góp phần làm giảm mức độ gia tăng nợ xấu nội bảng của tổ chức tín dụng và tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
Thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
Chính sách hoãn, giãn nợ là điều mà DN và ngân hàng cũng rất mong chờ. Nhưng các chuyên gia chuyên gia, cần phải có quy định cụ thể, rõ ràng để đảm bảo độ an toàn và bản chất nợ của nền kinh tế, không để xảy ra tình trạng nợ xấu bị che giấu dưới hình thức giãn, hoãn nợ. "Cần phải có nhiều giải pháp đi kèm để đảm bảo DN, người vay có thể phục hồi và trả được nợ ở thì tương lai, khi áp lực nợ mới và cũ cùng đến, tránh dồn rủi ro cho các ngân hàng"- PGS.TS Đinh Trọng Thịnh gợi ý.
Theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần, với việc DN tiếp tục được cơ cấu nợ, giãn nợ và qua đó sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị bớt áp lực về mặt dòng tiền, sẽ đưa dòng tiền vào sản xuất kinh doanh và phục hồi. Giãn, hoãn nợ tức là khoản nợ vẫn còn đó, chỉ là chưa thu và DN vẫn có cơ hội được vay các khoản vay mới. Tuy nhiên, để đề phòng khả năng gia tăng nợ xấu, ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận. Vì với các khoản nợ được giãn, hoãn, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, quan điểm của NHNN là sẽ hỗ trợ những đối tượng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, dòng tiền không được như mong muốn. "Tuy nhiên, đối tượng nào, ngành nghề nào được giãn, hoãn nợ sẽ được tính toán kỹ nhằm hỗ trợ đúng cho DN gặp khó khăn. Song chính sách cũng phải đảm bảo độ an toàn và bản chất nợ của nền kinh tế, không để xảy ra tình trạng nợ xấu bị che giấu dưới hình thức giãn, hoãn này" - ông Tú nhấn mạnh.
Từ phía DN, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho rằng, cần phải có chính sách giãn theo quy tắc "tịnh tiến đều" để hỗ trợ DN. "Với các DN vay vốn thời hạn 5-7 năm, có thể kéo dài thành 6-8 năm, tránh tình trạng giãn nợ lại dồn lại để 2024 trả một lúc cả lãi vay lẫn nợ gốc cho cả hai năm cũng khiến DN "chết".
Bên cạnh đó lãi suất cho vay cần giảm thêm, đặc biệt ở ngành sản xuất trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay. "Các điều kiện về tài sản đảm bảo, điều kiện cho vay cũng cần linh hoạt hơn. Còn nếu vẫn giữ điều kiện như trong bối cảnh bình thường, DN vẫn gặp khó trong tiếp cận vốn", vị này nói.
Bên cạnh hoãn giãn nợ cho DN, cần thêm các giải pháp hỗ trợ DN phát triển, có khả năng trả nợ trong tương lai, như tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh; giảm gánh nặng chi phí; giảm thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân; đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước thông qua các chương trình xúc tiến thương mại và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…(PGS.TS Đinh Trọng Thịnh)