Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm với môi trường: Cơ hội và thách thức

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - EPR - “thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất” đã luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2024 đã và đang được các phương tiện truyền thông nhắc đến nhiều hơn.

Điều này cho thấy, sự quan trọng trong việc thực hiện EPR chính là con đường phát triển bền vững, mang lại những lợi ích căn bản cho DN.

Nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng

Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, Luật Bảo vệ môi trường 2005 (số 52/2005/QH11) và 2014 (số 55/2014/QH13) mới dừng ở quy định nhà sản xuất phải thu hồi sản phẩm thải bỏ, chưa quy định con số cụ thể phải thu gom, xử lý, tái chế và phương pháp tái chế. Chính vì thế, cả một chặng đường dài qua, một số DN chưa thực hiện hiệu quả trách nhiệm thu gom sản phẩm thải bỏ theo quy định của pháp luật. Việc thu gom thực tế được DN tận dụng để quảng bá sản phẩm hoặc thúc đẩy tiêu dùng, thay vì được nhìn nhận như trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.

Thu gom rác thải trên địa bàn huyện Mê Linh. Ảnh: Công Hùng
Thu gom rác thải trên địa bàn huyện Mê Linh. Ảnh: Công Hùng

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra quy định chặt chẽ hơn, nhà sản xuất phải thu hồi sản phẩm thải bỏ theo tỷ lệ sản lượng DN đưa ra thị trường và quy cách tái chế bắt buộc. Quy định mới này, được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Ví dụ, một công ty sản xuất nước giải khát đưa ra thị trường 100 lon sản phẩm thì theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP, họ phải thu gom để tái chế 22 lon, tương đương 22% theo tỷ lệ tái chế bắt buộc. Còn theo quy cách tái chế bắt buộc, 22 lon đó phải tái chế thu lại tối thiểu 8,8 lon, tương đương 40% tổng số lon mang đi tái chế, tạo ra các phôi nhôm hoặc các sản phẩm khác.

Được biết, chuẩn bị cho quá trình thực thi, về phía các nhà sản xuất, nhập khẩu cũng đã có những bước tiến quan trọng để thực hiện EPR. Ví như năm 2021, đánh dấu lần đầu tiên 9 DN lớn là TH Group với thương hiệu TH True milk, Coca-Cola Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam, La Vie, Nestle, Nutifood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak và Universal Robina Corporation đã ngồi lại cùng nhau để thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (gọi tắt là PRO Việt Nam) với sứ mệnh phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước đủ mạnh, giúp tăng tỷ lệ tái chế và giảm thiểu tỷ lệ bao bì thải ra môi trường.

Mới đây, vào tháng 10/2023, Công ty TNHH La Vie (La Vie) - thành viên của Tập đoàn Nestlé, đã tổ chức lễ ký biên bản ghi nhớ chương trình hợp tác thu gom và tái chế nhựa với Duytan Recycling. Theo chiến lược 5 năm, La Vie và Duytan Recycling thực hiện mục tiêu thu gom và tái chế 11.000 tấn rác thải nhựa, áp dụng cho các sản phẩm chai La Vie dung tích nhỏ đến sản phẩm dung tích 19 lít.

Hay như Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam (Unilever Việt Nam) cũng đang tích cực cộng tác cùng các nhà thu gom thúc đẩy tuần hoàn nhựa, vốn là cơ chế chuẩn bị cho việc thực hiện quy định EPR. Cùng với đó, công ty này đang nghiên cứu cải tiến thiết kế bao bì nhằm đưa khả năng tái chế lên trên tỷ lệ 63% hiện tại. Đại diện Unilever Việt Nam thông tin, hiện công ty đã giảm được 52% nhựa nguyên sinh và sử dụng nhựa PCR trong sản xuất. Hiện đã có hơn 25.000 tấn nhựa được thu gom và tái chế.

Nhưng không ít thách thức

Điều đó cho thấy, hầu hết các DN lớn đều đã sẵn sàng thực hiện EPR, thực hiện nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Hoạt động này không chỉ thực hiện trách nhiệm bắt buộc của DN với môi trường mà còn đem lại lợi ích một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua việc thúc đẩy hoạt động tái chế chất thải, tạo ra lợi nhuận, nguồn vật liệu ổn định phục vụ cho hoạt động sản xuất của mình.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Thị An, nói thì đơn giản nhưng để thực hiện không dễ dàng. Bởi lẽ, với nền kinh tế ở những quốc gia đang phát triển và có thu nhập trung bình, thách thức về tài chính đối với cộng đồng sẽ rất lớn. Vì thực hiện EPR hướng tới phát triển bền vững sẽ phải thay đổi về cấu trúc giá thành sản phẩm, hướng tới tăng trưởng xanh sẽ tác động lên chi phí và sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.

Nếu tất cả các chi phí tài chính trong quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất được tính toán đầy đủ sẽ chủ động cho DN giảm bớt thiệt hại từ chi phí và vẫn tuân thủ các yêu cầu EPR. Bên cạnh đó, áp dụng EPR sẽ phải thay đổi tư duy thiết kế mẫu mã, chuyển đổi công nghệ, lao động cho phù hợp với chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng để đáp ứng hiệu quả trong thực thi thu gom tái chế rác thải.

Trong khi đó, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 yêu cầu phải kê khai số tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam trước ngày 31/3 hằng năm với số tiền được tính dựa trên khối lượng sản phẩm được đưa ra của năm liền trước. Trước ngày 20/4 hằng năm, nhà sản xuất, nhập khẩu nộp tiền đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế một lần vào Quỹ hoặc có thể lựa chọn nộp tiền thành hai lần: nộp tối thiểu 50% tổng số tiền trước ngày 20/4 và nộp phần còn lại trước ngày 20/10 cùng năm.

“Như vậy, năm 2024 là năm đầu áp dụng EPR, theo quy định, phải nộp một khoản tiền rất lớn từ đầu năm nhưng hệ thống EPR chưa thể vận hành và thực hiện các hoạt động tái chế ngay lập tức. Khi đó, một khoản tiền lớn sẽ tạm thời bị đóng băng, trong bối cảnh các DN đang rất khó khăn, cần nguồn vốn để hoạt động. Nhưng đã là quy định thì khó vẫn phải tuân thủ”- PGS.TS Bùi Thị An nói.

 

EPR là trách nhiệm bắt buộc. Đây chính là yếu tố thúc đẩy áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Bởi EPR không chỉ có mục tiêu là hình thành nguồn lực để làm sạch môi trường thông qua việc thu gom, xử lý sản phẩm thải bỏ mà EPR còn có mục tiêu cao hơn đó là tác động đến thói quen sản xuất, tiêu dùng, buộc các nhà sản xuất phải thay đổi thiết kế đối với sản phẩm để sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, kéo dài vòng đời sản phẩm, dễ thu gom, dễ tái sử dụng, dễ tái chế… để giảm bớt trách nhiệm EPR. EPR là bắt buộc nhưng nó thúc đẩy phát triển bền vững.
PGS.TS Bùi Thị An

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á áp dụng công cụ EPR như một quy định bắt buộc của Luật Bảo vệ môi trường. Đây là một bước tiến mang tính đột phá, tích cực và là một nỗ lực đáng kể của quốc gia trong việc giữ gìn nguồn tài nguyên cho thế hệ mai sau. Những người tiên phong luôn là những người làm công việc khó khăn nhất.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga