Doanh nghiệp thủy sản lại lo thêm gánh nặng về "nghĩa vụ môi trường"

GIANG LAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020, nhà máy có lưu lượng xả nước thải ra môi trường từ 200m3/ngày trở lên phải lắp hệ thống quan trắc tự động. Yêu cầu này khiến doanh nghiệp (DN) phải chịu thêm chi phí đắt đỏ khiến giá thành sản xuất tăng cao hơn nữa, không có nhà máy chế biến thủy sản nào có thể thực hiện được.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa cho biết, DN hiện đang ngồi trên đống lửa vì những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, lại thêm nỗi lo về “nghĩa vụ môi trường” tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật BVMT đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến.
Chế biến thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Giang Lam 
Theo dự thảo, các cơ sở chế biến thủy sản bị xếp vào Mức III của “Loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường” của Phụ lục 5 “Danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường”, có lưu lượng xả nước thải ra môi trường từ 200m3/ngày trở lên thì phải lắp hệ thống quan trắc tự động nước thải.
Trong khi hiện nay theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT thì các nhà máy chế biến thủy sản có dung lượng xả thải 500m3/ngày phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải.
Cho tới nay, tại nhiều địa phương, chỉ có 1 DN chế biến thủy sản lắp đặt được hệ thống này. Theo dự thảo thì sắp tới sẽ xuống 200m3/ngày. Các DN thủy sản cho rằng, yêu cầu này khiến DN phải chịu thêm chi phí đắt đỏ khiến giá thành sản xuất tăng cao hơn nữa, không có nhà máy chế biến thủy sản nào có thể thực hiện được.
Đầu tư cho hệ thống quan trắc tự động mất tới hàng tỷ đồng, thêm chi phí vận hành từ 40-50 triệu đồng/kỳ quan trắc. Đáng nói, hệ thống này không có tác dụng để quản lý mức độ ô nhiễm do kết quả quan trắc không chính xác.
Nhiều DN cho rằng, quy định về ngưỡng xả thải trung bình và lớn (làm căn cứ để yêu cầu lắp thiết bị quan trắc tự động và quy định tần suất quan trắc nước thải định kỳ) của ngành tài nguyên môi trường có nhiều điểm bất hợp lý, không rõ dựa trên cơ sở khoa học nào.
Ngoài ra, dự thảo còn đưa ra ngưỡng lưu lượng xả thải từ 15.000 m3/ngày trở lên thì “tần suất quan trắc nước thải định kỳ” là 1 tháng/lần. Do đặc thù có lưu lượng xả thải rất lớn, nếu áp dụng theo quy định này thì hầu như các vùng nuôi thủy sản đều phải thực hiện quan trắc 1 tháng/lần. Điều này làm tăng chi phí lấy mẫu và phân tích mẫu lên rất nhiều trong khi quy định hiện hành chỉ là 3 tháng/lần. Đây lại là một điểm đáng lo ngại nữa với các DN có vùng nuôi.
VASEP và cộng đồng DN thủy sản cho rằng, hiện ngành chế biến thủy sản đang bị xếp vào Mức III của “Loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường” là không công bằng. Bởi thực tế so với các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm như bánh kẹo, sữa, dệt nhuộm... thì nước thải của ngành thủy sản ít ô nhiễm môi trường, ít độc hại hơn nhiều nhưng lại bị xếp vào mức độ cao hơn…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần