Doanh nghiệp tư nhân hiến kế phát triển kinh tế

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế tư nhân hiện đã chiếm 40% GDP Việt Nam, trong khi các nước phát triển kinh tế tư nhân chiếm 80% GDP và là nền tảng trụ cột của quốc gia. Dường như đâu đó vẫn còn những ách tắc, vướng mắc, bất cập của cơ chế quản lý chưa được tháo gỡ kịp thời. Để tháo gỡ, Chính phủ cần có biện pháp bảo hộ DN tư nhân (DNTN) trong lĩnh vực trọng điểm kinh tế để nâng cao cạnh tranh quốc tế.

 Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên

Khơi dậy sức sáng tạo
Đánh giá cao vai trò của DN, doanh nhân tư nhân tại Diễn đàn “DN, doanh nhân tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” sáng 19/12, PGS. TS. Nguyễn Trọng Điều - Chủ tịch hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam nhận định: Diễn đàn là “Hội nghị Diên Hồng” của doanh nhân tư nhân Việt Nam nhằm phát huy trí tuệ, khơi dậy sức sáng tạo của cộng đồng DN, doanh nhân với đất nước. Diễn đàn cũng là nơi kết nối trí tuệ, sức sáng tạo của cộng đồng DN, doanh nhân để hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế. Đưa kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường.
Để DNTN phát triển, cải cách thể chế cần phải tập trung vào: Cải cách chế độ sở hữu, một là chế độ hạn điền của Luật Đất đai, không tạo được khu vực sản xuất lớn, hình thành chuỗi giá trị; DN Nhà nước chiếm tỷ trọng hơn 30% GDP và trong nhiều lĩnh vực DN Nhà nước vẫn độc quyền, điều này hạn chế sự phát triển của DNTN. Cần phải điều chỉnh lại hạn điền, để hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp, nông dân góp vốn bằng đất bằng tiền, thu lợi tức từ phần góp vốn của mình....
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển
Được biết, sau hơn 3 tháng phát động, cuộc vận động DN doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện chính sách kinh tế đã thu hút sự tham gia của các DN, doanh nhân trên mọi miền đất nước với hơn 100 bài tham luận tâm huyết của DN, doanh nhân trong và ngoài nước. "Cộng đồng DN, doanh nhân luôn ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chấn hưng dân tộc trong sự nghiệp đổi mới. Đội ngũ doanh nhân, tư nhân cũng luôn phát huy trí tuệ, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần tự lực tự cường, đổi mới sáng tạo, vượt khó vươn lên, kinh doanh thành công góp phần làm cho đất nước cường thịnh” – ông Điều chia sẻ.
Vai trò quan trọng
Tại Diễn đàn, các ý kiến tập trung thảo luận, trao đổi nhiều vấn đề xung quanh việc phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và phát triển kinh tế tư nhân nói riêng. Hiến kế tại diễn đàn, Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga - Phó Chủ tịch Thường trực Hội DN tư nhân Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, cần xây dựng, phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn thế mạnh của quốc gia, tập trung vào hai cơ sở: Hình thành trung tâm tài chính khu vực, sản xuất công nghiệp cần tận dụng cơ hội chuyển dịch dòng vốn đầu tư do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Bà Nga đề nghị Chính phủ, bộ ngành cần bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa các thành phần kinh tế, cần có chính sách cụ thể để các thành phần kinh tế nhận được những ưu đãi công bằng, không quá ưu tiên cho DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đồng thời cho rằng, DNTN có đủ kinh nghiệm, nguồn lực dồi dào, có thể vận hành linh hoạt để phát triển các dự án lớn, giúp Chính phủ hạn chế nợ công, tận dụng được nguồn vốn tư nhân và vốn FDI. Theo bà Nga, trong các trường hợp nhất định, Chính phủ cần có biện pháp bảo hộ DNTN trong lĩnh vực trọng điểm kinh tế để cạnh tranh với quốc tế...
Tán thành quan điểm của Chủ tịch BRG trong việc đặt kinh tế tư nhân thành trụ cột của kinh tế quốc gia, DNTN đóng góp nhiều hơn nữa trong quá trình phát triển, Trưởng ban Marketing truyền thông của Tập đoàn CMC Nguyễn Thành Lưu cho biết, CNTT luôn là ngành phát triển nhanh và đóng góp không nhỏ cho kinh tế Việt Nam. Ông Lưu đưa ra đề xuất Chính phủ nên khuyến khích DNTN phát triển quốc gia số, qua đó phát triển công nghệ số, giúp DN có khả năng tham gia vào mảng sản xuất và phát triển khu vực và toàn cầu. Theo Tổng Giám đốc Trung Nguyên International Lê Hoàng Diệp Thảo, nhà sáng lập thương hiệu King Coffee, trong quá trình đất nước phát triển cần sự đóng góp không nhỏ của doanh nhân. Tuy nhiên, doanh nhân, DN nào cũng mong có nền tảng pháp luật nghiêm minh hỗ trợ. “Sự nghiêm minh của pháp luật giúp các DN yên tâm phát triển” – bà Thảo nhấn mạnh.
Trước các ý kiến đóng góp, Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, tất cả các phản ánh, góp ý, đề xuất của DN, doanh nhân tư nhân cho thấy tinh thần DN, doanh nhân. Tiếp thu các đề xuất, sáng kiến hay của DN, doanh nhân tư nhân, ban Kinh tế T.Ư sẽ có những tham mưu cụ thể để xây dựng những chính sách phát triển nhanh và bền vững, một trong những mục tiêu quan trọng trong phát triển đất nước thời gian tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần