70 năm giải phóng Thủ đô

Doanh nghiệp ứng phó dịch nCoV: Thay đổi chiến lược kinh doanh, cơ cấu lại ngành hàng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến tình hình dịch bệnh vi rus corona (nCoV), nhiều DN, đơn vị đã nhanh chóng hành động, ứng phó để bảo đảm an toàn sản xuất, kinh doanh, phòng chống dịch hiệu quả.

Sơ chế Thanh Long xuất khẩu tại Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm Cát Tường (Tiền Giang). Ảnh: Trần Dũng
Đổi chiêu thức bán hàng
Nói về biện pháp ứng phó với tác động của đại dịch, đại diện một DN bất động sản (BĐS) lớn ở Hà Nội chuyên về xây dựng các căn hộ thông minh cho biết, công ty đã thay đổi chiến lược kinh doanh ngay từ đầu năm. Từ BĐS du lịch, dịch vụ công ty đã chuyển sang tập trung BĐS nhà ở, đất nền là chính. Thực tế, với tình hình dịch bệnh này, nhà đầu tư sẽ rất e ngại khi xuống tiền cho các dự án BĐS nghỉ dưỡng. Ngoài ra, BĐS cho thuê sẽ rất khó khăn vì nhu cầu sụt giảm, đặc biệt là phân khúc căn hộ cho người nước ngoài thuê, vì vậy, các DN sẽ tập trung BĐS nhà ở, đất nền và BĐS công nghiệp…
Bộ KH&ĐT đã có văn bản gửi tới Chính phủ đánh giá sơ bộ ảnh hưởng của dịch corona đối với kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2020. Cụ thể, với xuất khẩu, nếu dịch chỉ kéo dài hết quý I, ước tính kim ngạch xuất khẩu quý I giảm 21% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu dịch kéo dài tới hết quý II, xuất khẩu sẽ giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 51 tỷ USD. Với du lịch, nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD, nếu dịch kéo dài hết quý II, thiệt hại khoảng 5 tỷ USD. Với lĩnh vực vận tải, vận tải hàng không "chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do những tác động của dịch corona gây ra...
Trưởng văn phòng Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Hùng cho rằng, dịch bệnh corona ở Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến thị trường BĐS trong ngắn hạn. Tuy nhiên, theo ông Hùng, sau biến cố này, nhiều khả năng thị trường sẽ có cơ hội lớn để thu hút tốt dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường chia sẻ: "Một số đơn hàng của DN đang bị ảnh hưởng do một số cửa khẩu giao thương với Trung Quốc tạm đóng cửa nên chưa thể xuất khẩu được hàng sang cho đối tác. Cũng theo ông Trường, để giảm thiểu được những tổn thất cho đơn hàng, một số DN cũng đang làm việc lại với bên đối tác để nhập hàng trước về bảo quản trong kho, đồng thời lùi ngày giao hàng lại cho đến khi các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc mở cửa trở lại. Đây là trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh gây ra nên tổn thất là điều khó tránh khỏi, quan trọng là giữ được hợp đồng và đơn hàng cho các mùa vụ tiếp theo. Tuy vậy, với đặc thù mặt hàng rau quả, nông sản việc lùi ngày chờ xuất hàng là không thể. Nhiều xe hàng chở nông sản đến các cửa khẩu không qua được phải quay đầu hoặc đổ bỏ hàng vì hỏng.
Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Công ty CP Vina T&T Nguyễn Đình Hùng cho hay, ngay từ mùng 6 Âm lịch, công ty đã chủ động giảm giá bán thanh long ruột đỏ sang Mỹ để kích thích tiêu thụ. Nhờ vậy, lượng hàng xuất khẩu đã tăng 4 lần, từ 20 container đã lên 80 container xuất đi từ sau Tết đến nay. Trong khi Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Phương cho hay, đơn vị cam kết hỗ trợ tiêu thụ giúp nông dân trong phạm vi có thể; đặc biệt là hỗ trợ tiêu thụ thanh long, dưa hấu. Đơn vị này cũng đã kiến nghị Bộ NN&PTNT cho danh sách các sản phẩm nông sản đang tồn đọng để lên chương trình, bố trí ngân sách thu mua hợp lý, thúc đẩy tối đa tiêu thụ cho bà con. 
Doanh nghiệp FDI cũng thay đổi kế hoạch kinh doanh
Không chỉ các DN sản xuất trong nước mà ngay cả DN FDI cũng đang căng mình ứng phó với nguy cơ của dịch bệnh nguy hiểm này. Đơn cử Nhà máy của Samsung Việt Nam triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch viêm phổi cấp do nCoV, DN đã triển khai kiểm tra thân nhiệt của nhân viên tại các cổng nhà máy. Ngoài ra, công ty cũng đề nghị nhân viên đeo khẩu trang đi làm và trong suốt quá trình làm việc, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người và liên tục tuyên truyền về các biện pháp phòng chống nCoV.
Tại các công ty như: Công ty CP dây cáp điện Taya Việt Nam, Công ty Ajinomoto Việt Nam, Công ty TeakWang Việt Nam… áp dụng biện pháp đo thân nhiệt đối với hàng chục nghìn lao động của DN trước khi công nhân vào nhà máy làm việc.
Chia sẻ về ảnh hưởng của dịch tới việc kinh doanh khi mà phần lớn linh phụ kiện nhập từ các nhà sản xuất Trung Quốc, đại diện một DN cho biết, hàng tuần công ty liên tục có báo cáo về tiến độ của nhà cung cấp, khả năng cung cấp, tình trạng làm việc… Đặc biệt, có kế hoạch chuyển hướng sang một số nước cung ứng khác ngoài Trung Quốc. Về tiêu thụ sản phẩm, cùng với việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hiện DN này đẩy mạnh cải tiến mẫu mã sản phẩm. Thay những sản phẩm bằng bao bì nilon thành những chiếc túi giấy và được người tiêu dùng trong nước khá ưa chuộng. Bên cạnh đó, DN cũng cho ra mắt app bán hàng, khách hàng chỉ cần thao tác trên smart phone để lựa chọn sản phẩm.