Doanh nghiệp vận tải: Rối như tơ vò vì lo giá cước

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ đầu năm nay, giá xăng liên tục neo ở mức cao và tăng kỷ lục trong kỳ điều chỉnh ngày 11/3, khiến áp lực đối với DN vận tải tiếp tục kéo dài. Trong đó việc phải đắn đo, cân nhắc để vừa giữ khách, vừa đưa ra giá cước phù hợp khiến DN đau đầu.

Nhiều doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn do giá xăng liên tục tăng. Ảnh: Tuấn Anh 
Nhiều doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn do giá xăng liên tục tăng. Ảnh: Tuấn Anh 

Áp lực chi phí

Với mức giá xăng gần chạm mốc 30.000 đồng như hiện nay, anh Nguyễn Anh Dũng, tài xế taxi hãng Lan Anh cho biết đang phải chịu áp lực rất lớn vì chi phí cho xe. “Mức giá 13.000 đồng cho 25km đầu vẫn được hãng giữ nguyên từ thời điểm xăng ở mức 26.000 đồng/lít cho đến nay. Tính trừ các chi phí, nhiên liệu... sau khi chạy hết 25km đầu tiên, tài xế chúng tôi chỉ còn thu nhập dưới 200.000 đồng. Nếu tính trạng này kéo dài, tôi lo rằng sẽ không đủ trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình” - tài xế Nguyễn Anh Dũng nói.

Đối với một số hãng công nghệ, việc tăng giá cước không thống nhất cũng cho thấy sự bất ổn của ngành vận tải trong thời gian giá xăng liên tục phá kỷ lục. Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, đại diện Công ty CP Be Group cho biết, giá cước của hãng này vẫn giữ ở mức hiện tại, ngoài ra, hãng cũng chưa có kế hoạch thay đổi giá cước đối với khách hàng. Để động viên, cũng như hỗ trợ tài xế có thêm thu nhập, hãng tổ chức chương trình tặng thưởng cuối ngày tạo ra thu nhập ngoài, song song với nguồn thu chính từ các cuốc xe.

Ngược lại, trên trang chủ, Công ty TNHH Grab thông báo sẽ thực hiện điều chỉnh giá cước của một số dịch vụ bắt đầu từ ngày 10/03/2022, điều này nhằm thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng. Với sự điều chỉnh này, Grab hy vọng sẽ giúp bù đắp một phần chi phí vận hành của tài xế để có thêm cơ hội thu nhập trang trải cuộc sống, đồng thời khuyến khích tài xế hoạt động tích cực và phục vụ người dùng tốt hơn.

Đối với các chủ DN, giá xăng tăng cao khiến họ phải đau đầu cân nhắc, tính toán để đảm bảo duy trì, trong đó, tăng cước vận tải là một giải pháp trực diện nhất. Tuy nhiên, việc tăng giá lại đồng nghĩa với lợi ích của khách hàng bị ảnh hưởng, dẫn đến nguy cơ mất khách, sụt giảm thu nhập.

Vật giá “ăn theo” giá nhiên liệu

Chị Ngô Thị Thu Lan (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) cho biết, sáng ngày 13/3, chị đi chợ như thường nhật và nhận thấy một số mặt hàng đã bắt đầu tăng giá. Theo giải thích của các tiểu thương, do xăng tăng kéo theo cước vận chuyển nên giá của một số mặt hàng bị đẩy lên. “Mỗi khi có thay đổi về giá, lý do nhiều nhất mà các tiểu thương đưa ra là căn cứ theo giá xăng, điều này không phải lạ. Tuy nhiên, nếu xăng cứ giữ đà tăng thế này, người dân chúng tôi lo rằng không chỉ thực phẩm mà tất cả các loại chi phí đều phát sinh” - chị Ngô Thị Thu Lan chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế, thạc sĩ Tạ Việt Anh cho rằng, cách tính giá nhiên liệu chiếm 30% cấu thành chi phí của DN vận tải đến nay đã không còn phù hợp, giá xăng dầu tăng khiến con số này giờ phải từ 35 - 40%. Do đó, việc các chủ DN buộc phải tăng giá cước để đảm bảo cung ứng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, điều này sẽ kéo theo sự thay đổi giá hàng hóa, bởi các hoạt động giao thương đều phải phụ thuộc vào vận tải. Vì lo ngại điều này, trước đó Sở GTVT Hà Nội đã ban hành văn bản bình ổn giá cước vận tải bằng xe ô tô, trong đó yêu cầu các DN vận tải không được lợi dụng giá nhiên liệu tăng để đẩy cước phí cao hơn giá kê khai, chỉ được thực hiện phương án giá theo đúng chi phí hợp lý phát sinh.

Đối với lộ trình thay đổi cước phí vận tải, một số DN cho biết, đến nay vẫn tính theo giá đã ký tại hợp đồng, tuy nhiên, họ cũng bắt đầu thương thảo để nâng giá vì đang phải chịu lỗ. Theo đó, do các khoản chi trả quá lớn như khấu hao, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện, tiền lương, các loại thuế, phí, lãi ngân hàng.. cộng thêm áp lực giá nhiên liệu đang khiến các DN đứng trên bờ vực phải đóng cửa.

Bà Lê Thị Mai Hương - Giám đốc Công ty vận tải Visun cho biết: “Với tình hình cung nhiều hơn cầu như hiện tại, DN chúng tôi đang rối như tơ vò vì vừa phải lo giữ khách vừa phải đo đếm, tính toán giá cước để đảm bảo duy trì DN”.

 

Hiện nay, cước vận tải chủ yếu do các DN tự áp, dựa trên khảo sát mặt bằng chung, điều này dẫn đến sự bối rối khi thị trường có thay đổi. Do đó, điều này cần phải được thay đổi, các DN cần ngồi lại với nhau và đưa ra sự đồng thuận số đông về việc lên hoặc xuống của giá cước, tránh việc nơi tăng, nơi không tăng, gây ra sự rối loạn.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng