Doanh nghiệp vẫn thờ ơ với phòng vệ thương mại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/4, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lớp tập huấn giới thiệu về “Chuyên đề: Tác động của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đến các biện pháp phòng vệ thương mại”.

Chuyên đề nhằm giúp các DN trên địa bàn nắm bắt các hình thức phòng vệ thương mại (PVTM) mà đối tác nước ngoài sử sụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, định hướng cho DN sử dụng các biện pháp bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước việc một loạt các FTA đang được đàm phán và ký kết. 

Tại buổi tập huấn, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, VCCI khẳng định, vai trò của DN rất quan trọng trong quá trình đám phán FTA nhưng có rất ít DN, hiệp hội có ý kiến tham vấn. Vậy nên, các DN rất cần chú ý xem trong qua trình đàm phán, đoàn nào có liên quan đến ngành nghề sản xuất của mình thì có ngay đề xuất, ý kiến để cơ quan đàm phán có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, có lợi cho DN. 

 
Doanh nghiệp vẫn thờ ơ với phòng vệ thương mại - Ảnh 1
Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh đang diễn giải cho các DN tại buổi tập huấn.
Hàng rào kỹ thuật chính là biện pháp phi thuế quan do các nước dựng lên để bảo vệ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, các hàng rào kỹ thuật này cũng không được gây cản trở thương mại, không có chuyện chính phủ ủng hộ, bảo hộ sản xuất trong nước mà là để bảo vệ sức khỏe, an ninh, nếu không sẽ vi phạm những hiệp định đã ký kết. Điều đó có nghĩa khi các FTA có hiệu lực và hàng hóa các nước tràn vào Việt Nam, các DN trong giai đoạn trước mắt chưa kịp ứng phó, xoay chuyển sản xuất thì hàng rào kỹ thuật là một biện pháp tốt, hữu hiệu cho DN. Chẳng hạn đối với ngành chăn nuôi, sau khi ký hiệp định thì thịt bò, gia xúc của các nước có nền sản xuất công nghiệp, chi phí lại thấp tràn vào, lúc đó dễ nhận thấy, các DN trong nước sẽ không thể cạnh tranh được nên phải có kế hoạch ứng phó. 

Đối với biện pháp PVTM gồm chống bán phá giá (AD), chống trợ cấp (CVD), tự vệ (SG) đang được nhiều nước trên thế giới lựa chọn nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Biện pháp PVTM rất quan trọng và trong 4 năm trở lại đây, biện pháp này càng được sử dụng nhiều trong các nước ASEAN. Để nhận biết các biện pháp PVTM kể trên không khó. Như đối với AD dấu hiệu rõ nhất là giá xuất khẩu thấp hơn giá trị thông thường, có hành vi bán phá giá; với CVD là việc hàng hóa được trợ cấp, gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất cho nước nhập khẩu; với SG thì gia tăng đột biến lượng nhập khẩu, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước… Tất cả những hiện tượng trên khi bị phát hiện DN sản xuất, kinh doanh trong nước hoàn toàn có thể nộp đơn kiện để bảo vệ mình. 

Tuy nhiên, cái khó nhất của DN khi xảy ra kiện tụng là tìm tiếng nói chung của cộng đồng DN trong nước. Song có một thực tế đang diễn ra là nhiều DN trong nước đang từ nhà sản xuất khi thấy hàng nhập khẩu rẻ hơn đã chuyển sang bán mặt hàng đó và phải đóng thuế. Điều này dẫn đến sẽ không còn DN nào trong nước sản xuất mặt hàng đó khiến DN nước ngoài chiếm ưu thế trong việc áp đặt giá. Nhiều DN hiện đang vẫn còn mơ hồ với biện pháp này. Chính vì thế, DN có thể liên hệ với Vụ KHCN (Bộ KHCN), Cục Quản lý cạnh tranh để được giải đáp nhằm giúp DN có thể tận dụng được những lợi thế từ FTA, hạn chế, khắc phục những khó khăn, thách thức,…/.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần