Doanh nghiệp vào cuộc tiêu thụ nông sản ùn ứ tại cửa khẩu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều DN bán lẻ, chế biến đang tích cực vào cuộc tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản như: Thanh long, mít, chuối, xoài... Hoạt động này đã phần nào chia sẻ khó khăn với nông dân, DN xuất khẩu và được coi là một trong những giải pháp cấp bách giải quyết tình trạng nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc kéo dài nhiều ngày qua.

Sẵn sàng “giải cứu”

Khoảng 1 tuần nay, nhà máy chế biến của Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) phải nâng công suất hoạt động, để sơ chế một lượng lớn nông sản thu mua từ các container ách tắc tại cửa khẩu biên giới. Trung bình mỗi ngày công ty này tiêu thụ khoảng 100 - 150 tấn sản phẩm nông sản các loại, trong đó nhiều nhất là quả xoài tươi.

“Hiện nay, công ty vẫn tăng cường chế biến các loại trái cây tươi để phục vụ đơn hàng xuất khẩu cho quý I/2022, do đó nếu các đơn vị có sản phẩm xoài, dứa, chuối, chanh leo gặp khó khăn trên cửa khẩu, chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ” - Chủ tịch HĐQT Doveco Đinh Cao Khuê cho hay.

Đứng đầu về lượng nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc hiện nay là quả thanh long. Mới đây, phía Trung Quốc ra thông báo tạm ngừng nhập khẩu loại quả này trong khoảng gần 1 tháng (từ 29/12/2021 đến hết 26/1/2022) tại cửa khẩu Hữu nghị (tỉnh Lạng Sơn) khiến nhiều DN xuất khẩu rơi vào thế bị động, và hàng loạt nhà vườn trồng thanh long “đứng ngồi không yên”. Trong khi đó, phần lớn thanh long của tỉnh Bình Thuận, Long An… hiện nay được xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Người tiêu dùng chọn mua thanh long tại hệ thống siêu thị của Central Retail
Người tiêu dùng chọn mua thanh long tại hệ thống siêu thị của Central Retail

Trước thực trạng này, từ ngày 4/1, hệ thống siêu thị GO! Big C, Tops Market thuộc tập đoàn Central Retail triển khai chương trình “Đồng hành cùng nông dân” đẩy mạnh tiêu thụ trái thanh long. Các sản phẩm thanh long trắng, đỏ đều đảm bảo chất lượng tươi ngon và có giá bán tốt. Cụ thể, giá bán thanh long ruột đỏ tại GO!, Big C miền Nam chỉ 12.900 đồng/kg và tại khu vực Hà Nội là 15.900 đồng/kg.

Dự kiến ngay trong tuần đầu tiên áp dụng chương trình (4/1 - 10/1), các siêu thị của Central Retail sẽ tiêu thụ khoảng 20 tấn thanh long. Hệ thống siêu thị của tập đoàn này cũng lên kế hoạch nâng dần sản lượng tiêu thụ căn cứ vào sức mua đang tăng mạnh từng ngày vào dịp cuối năm.

Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân cho biết: “Chúng tôi triển khai chương trình này nhằm tạo điều kiện để người tiêu dùng cả nước chung tay, đồng hành cùng người nông dân trồng thanh long. Trong bối cảnh Tết Nguyên đán đã cận kề, việc xuất khẩu gặp khó, nên đẩy mạnh tiêu thụ thanh long trong các siêu thị GO! Big C, Tops Market sẽ giảm bớt thiệt hại cho nông dân”.

Không chỉ 2 DN kể trên, hiện có rất nhiều DN (bán lẻ, chế biến xuất khẩu) cũng đang nỗ lực vào cuộc hỗ trợ tiêu thụ nông sản đang ùn ứ tại các cửa khẩu. Hầu hết DN đều chuẩn bị hệ thống kho lạnh để tích trữ hải sản, trái cây phục vụ các chương trình bán hàng từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Đóng gói nông sản xuất khẩu. Ảnh minh họa
Đóng gói nông sản xuất khẩu. Ảnh minh họa

Không để bỏ ngỏ thị trường nội địa

Theo thống kê của UBND tỉnh Lạng Sơn, tính đến ngày 6/1, vẫn còn hơn 4.000 xe container hàng hóa nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc. Trong khi nhiều xe hàng nông sản không thể chờ đợi thêm đã quay về tiêu thụ tại thị trường nội địa để xả hàng giảm lỗ, những xe còn lại vẫn thấp thỏm chờ được thông quan.

 

Đối với việc thúc đẩy tiêu thụ trong nước, Bộ Công Thương đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương có vùng trồng phải chủ động xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động tiêu thụ nội địa. Qua các hoạt động này sẽ góp phần giảm hàng hóa đưa lên cửa khẩu. Chính vì vậy, thúc đẩy tiêu dùng nội địa và nêu cao vai trò của địa phương sẽ là giải pháp căn cơ

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Quốc Toản

Trước đó, Bộ NN&PTNT đã tổ chức diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản, có văn bản đề nghị các đơn vị xuất khẩu cần lưu ý thông tin cửa khẩu và quan tâm hơn đến vấn đề tiêu thụ nội địa vì sắp bước vào kỳ nghỉ Tết kéo dài.

“Hiện tại, một mặt Bộ NN&PTNT đề nghị các DN xuất khẩu thanh long, mít, dưa hấu... không tiếp tục đưa hàng lên các cửa khẩu, một mặt tiếp tục kêu gọi sự tham gia của DN bán lẻ, DN chế biến thực phẩm trong nước tiêu thụ một phần nông sản đang ùn ứ” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, việc nhiều nhà bán lẻ và chế biến thực phẩm trong nước cam kết tiêu thụ một lượng lớn trái cây tươi do phía Trung Quốc hạn chế giao dịch ở các cửa khẩu cho thấy tiềm năng của thị trường nội địa rất lớn. Chính phủ cũng đã có chủ trương “đa thị trường, đa lợi ích". Do đó, về lâu dài, người dân và DN cần thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh đa dạng thị trường để tránh trường hợp năm nào cũng xảy ra ách tắc rồi kêu gọi “giải cứu”.

Đưa ra giải pháp tiêu thụ nông sản khi Tết Nguyên đán đang đến gần, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa cho rằng, hiện nhiều loại nông sản vào vụ thu hoạch, có nhu cầu tiêu thụ lớn. Vì vậy, việc ùn ứ hàng hóa ở các cửa khẩu biên giới đặt ra yêu cầu về việc chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản của Việt Nam phải thay đổi.

Trước mắt, để giải quyết vấn đề ùn tắc nông sản thì giải pháp cấp bách hiện nay là cần định hướng tập trung tiêu thụ tốt các sản phẩm đang vào mùa vụ tại thị trường nội địa. Đặc biệt, những DN có khả năng chế biến sâu, hoặc có công nghệ bảo quản cần tham gia vào quá trình này, tránh tình trạng để giá nông sản giảm sâu.