Doanh nghiệp Việt đang yếu dần

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 5 năm, mức tăng lợi nhuận DN đã giảm gần 60%. Thông tin được đưa ra tại buổi họp báo công bố một số chỉ tiêu chủ yếu phản ánh tình hình phát triển DN của các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư năm 2016, sáng 11/4.

Thành lập nhiều, đóng góp ngân sách chưa cao
Theo báo cáo được Tổng Cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) công bố, tính đến thời điểm 31/12/2016, cả nước có 477.808 DN, tăng 8% so với năm 2015. Trong đó, số DN  thành lập mới cả nước năm 2016 đạt kỷ lục 110.100, tăng 16,2%. Tuy nhiên, mức tăng lợi nhuận DN giai đoạn 2010 - 2015 đạt 7,5%, bằng 1/3 so với giai đoạn 2005 – 2010 (đạt 24,1%). Như vậy, sau 5 năm, mức tăng lợi nhuận DN đã giảm gần 60%.
Lý giải về điều này, ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cho biết, giai đoạn 2010 - 2015 khủng hoảng phát triển toàn cầu khiến DN Việt Nam chịu nhiều tác động, sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả… “Con số này cũng phần nào phản ánh thực trạng sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam và các DN. Thực tế, Việt Nam có gần 97% DN nhỏ và vừa, trong đó 60% DN có dưới 10 lao động, vốn ít và công nghệ lạc hậu nên lợi nhuận thấp, bị cạnh tranh ngay trên sân nhà" - đại diện Tổng cục Thống kê đánh giá, đây cũng là lý do tăng trưởng GDP thấp.
1 triệu DN có đạt được?
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cân nhắc tăng vốn đầu tư toàn xã hội lên mức 35% GDP thay vì 32% GDP như trong quý I/2017 nhằm đối phó với tình trạng tăng trưởng quý này thấp nhất trong ba năm qua. Theo giới chuyên môn, nguồn đầu tư chắc chắn không phải từ nguồn ngân sách vì nguồn này đang rất eo hẹp, do đó tăng đầu tư chỉ dựa vào đầu tư tư nhân và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, với tình trạng sức khỏe của DN như hiện nay là một điều đáng lo ngại.

Đóng gói sản phẩm tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông.   Ảnh: Công Hùng

Theo các chuyên gia, hiện nay, cầu đang cần đẩy lên để hỗ trợ tăng trưởng thì giá dịch vụ, nhiều loại phí lại điều chỉnh tăng làm tăng chi phí cũng như chỉ số giá tiêu dùng. Trong khi để tăng đầu tư tư nhân, điều cần làm là giảm chi phí đầu vào cho nền kinh tế cũng như kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn.
Ông Nguyễn Hồng Long - Phó trưởng Ban chỉ đạo Ban Đổi mới phát triển DN cho biết: Nghị quyết 59/NQ - BCT của Bộ Chính trị kèm theo đó Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 04/CT - TTg thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP phấn đấu đến năm 2020 đạt hơn 1 triệu DN, trong đó có những DN quy mô lớn, và DN ngoài Nhà nước sẽ đóng góp 48% GDP. Chính phủ chỉ đạo xây dựng các chính sách bảo vệ quyền kinh doanh, Chính phủ kiến tạo coi DN là đối tượng để phục vụ, các DN không phân biệt các thành phần đều được đối xử công bằng, không hình sự hóa, không thanh tra, kiểm tra quá nhiều lần. Ngoài ra, “Nghị quyết 19 -2017/NQ-CP năm nay cũng đề ra hơn 200 chỉ tiêu cụ thể gắn liền với các bộ, ngành, địa phương… sẽ là tiền để để thúc đẩy phát triển DN” - ông Long nói về những giải pháp cụ thể hỗ trợ DN.
Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ có một cuộc gặp mặt lần thứ 2 đối với các DN trên phạm vi toàn quốc. Các cơ quan chức năng đã ghi nhận các ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị cho cuộc gặp này.
Bộ chỉ số phát triển hỗ trợ DN các tỉnh được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 35, là môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn để DN hoạt động có hiệu quả, trong đó có bộ chỉ số phụ như số lượng phát triển DN, đóng góp cho ngân sách. Bộ chỉ số này thiết kế dựa trên hệ thống thống kê số liệu đã có để đo lường sự thuận lợi của DN trong kinh doanh bằng chính sách, chỉ số phát triển DN dựa vào cảm nhận của DN.
Phó Tổng thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh

Báo cáo về tình hình phát triển DN cho thấy, những tỉnh, TP có số lượng DN chiếm tỷ trọng cao trong cả nước có tốc độ phát triển DN đang hoạt động năm 2016 so với 2015 là TP Hồ Chí Minh chiếm 33,6% số DN cả nước, tăng 7,8%, Hà Nội chiếm 23,1% số DN cả nước, tăng 6,5%, Đà Nẵng chiếm 2,68%, tăng 10,9%, Hải Phòng chiếm 2,29% số DN cả nước, tăng 11,5%...