Nước ngoài liên tục rót vốn
Tập đoàn bán lẻ Central Retail (Thái Lan) đã công bố đầu tư thêm 20.000 tỷ đồng vào thị trường Việt Nam trong 5 năm tới. Theo Central Retail, kế hoạch rót thêm vốn đầu tư nhằm thúc đẩy doanh số tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2026 lên 65.000 tỷ đồng, hướng đến mục tiêu trở thành nền tảng đa kênh trong lĩnh vực thực phẩm và kinh doanh trung tâm thương mại.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Việt Nam Olivier Langlet cho biết, thông qua việc thêm vốn đầu tư lớn vào Việt Nam, Central sẽ nhân rộng điểm bán từ 40 tỉnh, thành hiện nay lên 55 tỉnh, thành trong cả nước. “Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm của Central Retail bởi doanh số của thị trường Việt Nam tăng trưởng cao qua từng năm và đạt gần 38,6 tỷ baht, tương đương hơn 25.000 tỷ đồng trong vòng 10 năm, chiếm 22% tổng doanh thu của Central Retail” - ông Olivier Langlet nêu rõ.
Năm 2021, dù dịch Covid-19 hoành hành nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa tại thị trường Việt Nam vẫn tăng 0,2%. Central Retail hiện có hơn 300 cửa hàng và 39 trung tâm thương mại, với tổng diện tích bán lẻ lên đến hơn 1 triệu m2.
Không chịu thua kém, tháng 5/2022 doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản là Công ty TNHH Aeon Việt Nam (Aeon Việt Nam) khai trương siêu thị Aeon the Nine tại quận Cầu Giấy. Đây là điểm phân phối đầu tiên theo mô hình bán lẻ mới, dưới dạng trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị tinh gọn của Aeon Việt Nam.
Tổng Giám đốc Aeon Mall Việt Nam Nakagawa Tetsuyuki thông tin, Aeon đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam. Trước mắt trong năm 2022, Aeon Việt Nam cố gắng mở 20 cửa hàng MaxValue tại Hà Nội.
Việt Nam vẫn là một trong những thị trường được các nhà đầu tư nước ngoài nhắm đến. Trước sự mở rộng mạng lưới phân phối của nhà bán lẻ nước ngoài, đòi hỏi các hệ thống bán lẻ Việt cố gắng giữ vững thị phần của mình. Muốn làm được điều này cần có chiến lược, hướng đi riêng, khác biệt để tiếp tục nâng cao năng lực, chuẩn bị cho sự cạnh tranh sắp tới.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu
Lý giải nguyên nhân khiến doanh nghiệp quốc tế liên tục rót vốn đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nêu rõ, hiện thị trường bán lẻ Việt Nam được định giá khoảng 170 tỷ USD và dự báo tăng trưởng 10% trong vòng 5 năm tới. Điều đó cho thấy về dài hạn Việt Nam vẫn là một thị trường đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân, được xếp vào nhóm các quốc gia có tầng lớp trung lưu tăng trưởng mạnh và tốc độ đô thị hóa nhanh.
Đại gia Việt ồ ạt mở cửa hàng bán lẻ
Nhìn nhận việc các tập đoàn bán lẻ quốc tế mở rộng đầu tư thị trường bán lẻ Việt Nam, các chuyên gia kinh tế nêu rõ, nếu chiếm được phần lớn thị phần kênh phân phối và có thể hoàn thành được vòng chu trình khép kín từ sản xuất tới phân phối sẽ gây ra sức ép đối với hàng Việt. Tuy vậy, một số nhà bán lẻ nội địa có tiềm lực lớn của Việt Nam trong thời gian qua đang nổi lên, và cho thấy cuộc “so găng” giữa các nhà bán lẻ nội và ngoại sẽ còn nhiều gay cấn.
Nhằm giữ vững thị phần, thời gian gần đây doanh nghiệp Việt đã đầu tư hệ thống bán lẻ hiện đại.
Thông tin từ Tập đoàn Thaco (đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Emart) cho thấy, với mục tiêu đạt doanh số 1 tỷ USD từ nay đến năm 2026 sẽ mở rộng quy mô hệ thống siêu thị Emart lên đến 20 cửa hàng.
Không chỉ Thaco ''chơi lớn'' với bán lẻ, cuối quý II/2022 vừa qua, với tham vọng mở rộng kênh phân phối lên 450.000 điểm bán lẻ trong tương lai, Tổng công ty Nova Consumer đã hoàn tất thương vụ M&A Công ty TNHH Thực phẩm Mặt trời mọc (Sunrise Foods).
Để hiện thực hoá mục tiêu mở rộng các điểm bán lẻ, trong năm 2022 WinCommerce của Tập đoàn Masan (đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ WinMart và WinMart+) sẽ mở mới hơn 700 cửa hàng WinMart+ và hơn 20 siêu thị, đại siêu thị WinMart.
Đồng thời, Masan chính thức thí điểm mô hình nhượng quyền, qua đó hướng tới mục tiêu nắm trong tay 10.000 điểm sở hữu và 20.000 cửa hàng nhượng quyền vào năm 2025. Nhiều nhà bán lẻ khác như Saigon Co.op, BRGMart… cũng lên kế hoạch mở rộng đầu tư, mở rộng hệ thống để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Đại diện Saigon Co.op thông tin, với mong muốn giữ vững vị thế đứng đầu về số lượng cửa hàng, siêu thị bán lẻ trên cả nước nhằm đem lại nhiều sản phẩm Việt Nam chất lượng cao tới tận tay cho người tiêu dùng, Saigon Co.op đang đẩy nhanh tiến độ để có thể đạt tối thiểu 2.000 điểm bán vào năm 2025.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, việc doanh nghiệp Việt đầu tư mở rộng hệ thống bán lẻ đã khiến thương hiệu Việt lấn át doanh nghiệp ngoại. Nếu như ở thời điểm năm 2016, hơn 50% thị phần bán lẻ của nội địa thuộc về doanh nghiệp nước ngoài, thì đến nay doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang chiếm khoảng 70 - 80% số điểm bán trên cả nước. Một trong những lý do giúp các doanh nghiệp nội dần chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong nước, chính là sự đầu tư để gia tăng trải nghiệm cho người dùng, bao gồm không gian mua sắm, công nghệ và yếu tố sức khỏe.
“Sau khi mua lại chuỗi siêu thị VinMart, Masan đã đưa vào những sự thay đổi đáng kể trong phương pháp tiếp cận khách hàng. Công ty cũng đã giới thiệu một chiến lược phát triển giai đoạn mới, với hệ sinh thái tiêu dùng công nghệ tích hợp những công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp đơn giản hóa quy trình bán cũng như nâng cao sự hài lòng cho khách hàng” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu ví dụ.
Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú nhận định, các doanh nghiệp Việt đã có sự kết hợp với nhau để tạo dựng và khẳng định chỗ đứng trên thị trường bán lẻ. Nổi bật nhất phải kể đến thương vụ giữa tập đoàn Masan Group và Vingroup để trở thành 1 chuỗi sản xuất và bán lẻ lớn nhất Việt Nam. Sự hợp tác này còn làm giảm bớt các chi phí sản xuất, bán hàng, đem lại giá bán có lợi nhất cho người tiêu dùng và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam với doanh nghiệp quốc tế.