Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, qua điều tra 1.500 DN sản xuất VCCI đã đưa ra kết luận rằng: “DN Việt Nam đã sẵn sàng hơn cho 2 hiệp định trên nhưng chưa đủ sẵn sàng”.
Ảnh minh họa |
Khảo sát của VCCI cho thấy, hiện DN Việt Nam đã sẵn sàng hơn trước TPP và EVFTA (hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh EU). Biểu hiện 88,16% DN được hỏi đã biết về TPP; 83% DN biết về EVFTA; 93,78% DN biết về cộng đồng kinh tế SEAN; 97,35% DN biết về WTO; 77,8% DN biết về hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc. Đặc biệt, theo bà Trang, DN Việt Nam lạc quan một cách tỉnh táo về tác động của FTAs. Hơn 96% DN cho rằng các FTAs là cơ hội để DN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; 80% DN cho rằng mang lại nhiều cơ hội hơn thách thức cho DN và 88,5% DN thấy sẽ tạo cơ hội mới cho DN… Đáng mừng là 88% DN có kế hoạch cải thiện năng lực sản xuất trong 3 năm tới và cũng có tính đến kế hoạch cụ thể trong cải thiện sản xuất như: Đào tạo nâng cao kỹ năng quản lý cho lãnh đạo DN; đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân; tiếp cận các thị trường mới; chuyển đổi sản xuất để năng cao giá trị gia tăng; tổ chức lại sản xuất để tăng năng suất; cải thiện công nghệ; đạt được những chứng nhận về môi trường; nâng cao chất lượng sản phẩm… Tuy nhiên, bà Trang cũng lưu ý, vẫn có nhiều trở lại với DN khi hội nhập như: Các cam kết phức tạp, không dễ đọc, hiểu và chuẩn bị. Trong khi đó, hướng dẫn đã có nhưng còn ít, và chưa cụ thể như với hiệp định TPP. Hai yếu tố cản trở nhất đối với việc DN tận dụng cơ hội từ các FTAs là thông tin cam kết và thực thi từ phía cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, DN cũng còn cho rằng quy tắc xuất xứ quá khó, năng lực cạnh tranh của DN thấp so với đối thủ. Cùng với đó, nhiều yếu tố cản trở DN cải thiện năng lực sản xuất như: Chính sách thuế, tình trạng nhũng nhiễu, thủ tục hải quan, cơ sở hạ tầng, tay nghề lao động, chính sách lương. Theo bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch khu vực Đông Á Thái Bình Dương Nhóm WB, còn đến hai năm nữa Hiệp định thương mại tự do TTP mới có hiệu lực, nhưng, đây là khoảng thời gian ít ỏi để Chính phủ, người dân và DN Việt Nam chuẩn bị nhằm tránh bị sốc khi hiệp định này có hiệu lực. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Việc các nhà đàm phán đã đàm phán thành công các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là thành quả rất đáng ghi nhận. Nhưng cơ hội vẫn đang nằm trên các văn bản hiệp định, còn rủi ro, thách thức có vẻ đã hiện hữu. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực chuẩn bị để có một tâm thế vững chắc để có thể hội nhập thành công”. Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã nhất trí sẽ trình Quốc hội xem xét để phê chuẩn Hiệp định TPP vào kỳ họp quốc hội sắp tới. Hiện Việt Nam đã và đang làm nhiều việc để chuẩn bị cho việc thực thi TPP, như rà soát hệ thống pháp luật của Việt Nam và thông qua kế hoạch sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những bộ luật, tạo thể chế chính sách để đáp ứng các cam kết hội nhập làm tiền đề để Việt Nam hội nhập thành công. Đặc biệt, “Chính phủ Việt Nam quyết tâm xây dựng một chính phủ trong sạch, liêm chính, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi DN thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động ở Việt Nam được bình đẳng cạnh tranh. Quan điểm của Chính phủ là tạo điều kiện để mọi doanh nghiệp có thể đi lên bằng chính bản thân đôi chân của mình trên cơ sở xây dựng văn hóa doanh nhân, DN, liêm chính, đổi mới, sáng tạo...”.