Saturday, 12:38 29/08/2015
Doanh nghiệp Việt thờ ơ với hàng giả
Kinhtedothi - "Hàng Việt bị làm giả từ cây tăm, quần áo đến giấy bảo hành sản phẩm, thậm chí cả tem chống hàng giả…" - đó là thông tin đã được đại diện Tổng cục Hải quan và Văn phòng Thưởng trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đưa ra tại cuộc họp báo về công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại ngày 28/8.
Điều đáng nói, các DN vẫn thiếu mặn mà trong khai báo và hợp tác với cơ quan chức năng về tình trạng thương hiệu của mình bị làm giả. Các cơ quan chức năng vẫn “mạnh ai nấy làm”.
Nhiều mặt hàng bị làm giả
Số liệu từ Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Ban chỉ đạo đã chủ trì phối hợp phát hiện, bắt giữ gần 130.000 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý thu nộp ngân sách gần 4.000 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Cẩn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, kiêm Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389, qua kiểm tra, bắt giữ, tất cả hàng tiêu dùng Việt Nam từ cây tăm, bông ngoáy tai, điện thoại, quần áo… đều bị các đối tượng ngoài biên giới làm giả và tìm đường tuồn về Việt Nam. Ngành hải quan và các cơ quan liên quan đang chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Cẩn cũng nêu thực tế đáng buồn là không nhiều DN quan tâm tới việc hàng hóa, thương hiệu của mình bị làm giả, làm nhái. Mỗi năm, các lực lượng chức năng bắt giữ khoảng 19.000 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, số DN quan tâm và báo cáo việc thương hiệu của mình bị làm nhái, làm giả chưa đến con số 10.
Tại nhiều nước trên thế giới, DN khi phát hiện hàng của mình bị làm giả sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để cung cấp thông tin. Tuy nhiên, DN Việt lại thờ ơ với vấn nạn này. Nguyên nhân là vì DN sợ ảnh hưởng tới doanh thu của thương hiệu mình. Ngoài ra, một bộ phận cấp dưới ở chi nhánh, đại lý vẫn đang tiếp tay đặt hàng giả ở nước ngoài để "trộn" vào hàng thật để kiếm chênh lệch giá. "Nguyên nhân khác là các lực lượng chức năng chưa thực sự vào cuộc để hợp tác với DN" - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thừa nhận.
Cơ quan chức năng... mạnh ai nấy làm?
Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo 389 quốc gia của Thủ tướng Chính phủ được đánh giá là cơ sở quan trọng giúp thống nhất trong chỉ đạo, điều hành từ T.Ư xuống địa phương, giúp thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương và hàng giả từ biên giới cửa khẩu vào trong nội địa, giải quyết sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ và tận dụng, phát huy lợi thế của mỗi ngành, mỗi lực lượng.
Tuy nhiên, theo tổng hợp đánh giá của Văn phòng Ban Chỉ đạo 389, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại mới có chuyển biến ở một số tỉnh, TP lớn và địa phương biên giới trọng điểm như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Tây Ninh… Một số tỉnh, TP khác chưa có sự quan tâm, vào cuộc thực sự của chính quyền cơ sở. Các hoạt động tuyên truyền, phối hợp trao đổi thông tin giữa các địa phương, lực lượng còn thiếu thường xuyên, chưa có các kế hoạch, chuyên đề, chuyên án… Việc triển khai các kế hoạch đấu tranh của các lực lượng chức lăng chủ yếu mang tính đơn lẻ, cục bộ nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. "Quan điểm của chúng tôi là không bao che, không có vùng cấm trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại" - ông Nguyễn Văn Cẩn khẳng định.
![]() Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ hàng nhái nhãn mác nhập lậu tại phố Yên Lãng, quận Đống Đa. Ảnh: Thanh Hải
|
Trong 7 tháng năm 2015, cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ 11.498 vụ buôn lậu, gian lận thương mại. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính là 118,9 tỷ đồng, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 90 tỷ đồng. Cơ quan hải quan cũng đã khởi tố 9 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác khởi tố 42 vụ án hình sự. |