70 năm giải phóng Thủ đô

Doanh nghiệp Việt tìm cơ hội cạnh tranh từ khủng hoảng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong bối cảnh đầy thách thức của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp (DN) đang phải chật vật đối mặt với môi trường kinh doanh khắc nghiệt.

Doanh nghiệp Việt tìm cơ hội cạnh tranh từ khủng hoảng - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, thời điểm này chính là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn.

Theo chuyên gia kinh tế Lương Văn Tự, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO, mỗi lần kinh tế trì trệ, suy thoái và khủng hoảng là một lần DN phải đối mặt với thử thách to lớn. Tuy nhiên, mỗi lần biến động lại là một lần thanh lọc các DN làm ăn kém hiệu quả và tạo ra những DN có năng lực cạnh tranh hiệu quả hơn.

Đồng quan điểm này, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP HCM cũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, DN cần tự đánh giá lại nội lực của mình. Theo ông Hưng, công ty nào có định hướng tốt, đội ngũ lao động vững mạnh sẽ vượt qua tình hình khó khăn hiện nay, còn những DN không có chiến lược rõ ràng cũng như lực lượng lao động tốt sẽ bị đào thải trong cơn bão tài chính.

Nhiều chuyên gia khác cũng nhận định, sự hỗ trợ từ nhà nước chỉ mang vai trò “bà đỡ” chứ không thể làm thay DN. Muốn tồn tại, DN phải đánh giá lại mình cả về hệ thống quản lý, nguồn nhân lực, công nghệ… và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông chia sẻ về những giải pháp tương đối thiết thực để DN tháo gỡ khó khăn: DN cần tập trung vào các yếu tố nâng cao năng suất lao động, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cấp khả năng quản trị thông minh; đồng thời liên kết với các hiệp hội để thu hút đầu tư tài chính từ các hội viên.

Theo ông Linh, DN nên quan tâm đến hoạt động cốt lõi của mình, tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết hoặc tổ chức các nhóm liên kết ngang của những người sản xuất và chế biến dưới nhiều hình thức khác nhau như: Tổ hợp tác, nhóm hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ, tập đoàn sản xuất... Riêng với những DN gặp khó khăn về vốn, cần lựa chọn các đơn hàng vừa sức và cố gắng thực hiện trong thời gian sớm nhất để giảm bớt chi phí vay. Hơn nữa nên chủ động tìm nguồn vốn ưu đãi từ các đối tác nước ngoài bằng hình thức vay vốn, phát hành trái phiếu và cổ phiếu.

Ngoài ra, nên tích cực liên kết với các hiệp hội ,các DN khác để tìm đầu ra cho sản phẩm.