Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp xây dựng: Đổi mới để nâng sức cạnh tranh

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành xây dựng đang đứng trước một giai đoạn phát triển mới với cơ hội cùng khó khăn, thách thức không nhỏ, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những thay đổi của cách mạng công nghệ 4.0. Để phát triển và đạt được hiệu quả trong hoạt động, đòi hỏi mỗi DN xây dựng phải đầu tư công nghệ, tái cơ cấu theo hướng cổ phần hóa, thay đổi trong công tác quản lý, kinh doanh giảm chi phí thi công, nâng cao lợi nhuận.

Doanh nghiệp xây dựng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Mai Vân
Khó khăn bủa vây
Số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, trong năm 2020, có trên 1.500 DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã hoàn tất thủ tục giải thể. Việc tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân gặp khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, đầu tư của các DN ngành xây dựng. Trong năm 2020, mặc dù Chính phủ đã điều chỉnh giảm lãi suất vốn vay ngân hàng nhưng nhiều DN, đặc biệt DN vừa và nhỏ vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng do những vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Cùng với đó, giá đầu vào nhiều loại vật tư, nguyên liệu tăng, trong khi giá bán sản phẩm tăng ít làm ảnh hưởng đến đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. “Thị trường bất động sản (BĐS) đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn diễn ra chậm, những vướng mắc về pháp lý tại khiến cho hàng loạt dự án BĐS bị chậm triển khai. Các khu đô thị mới đầu tư hạ tầng dở dang, khiến cho DN xây dựng – nhà thầu xây dựng không thể thanh toán được chi phí đã bỏ ra từ chủ đầu tư, một lượng vốn đầu tư không nhỏ bị “chôn” tại dự án” – đại diện Bộ Xây dựng cho hay.

Tính đến hết năm 2020, Bộ Xây dựng đã hoàn thành cổ phần hóa thêm 7 tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng (LILAMA, CC1, FICO, VNCC,COMA, IDICO, Sông Đà), đang tiếp tục thực hiện công tác cổ phần hóa đối với 2 tổng công ty còn lại là Tổng Công ty HUD và VICEM, trong đó trọng tâm là hoàn thành phương án sử dụng đất, thực hiện công tác xác định giá trị DN. Nhưng trên thực tế, trong giai đoạn này, ngay cả những tổng công ty có nguồn lực lớn cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh. “Kết thúc năm 2020, lợi nhuận sau thuế của công ty là 1.712 tỷ đồng, tăng 118% so với năm 2019. Nhưng tính lũy kế cả năm 2020, ghi nhận doanh thu giảm 42% so với năm trước đó. Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động xây lắp tiếp tục nắm tỷ trọng lớn nhất trong năm qua giảm mạnh 45%; doanh thu thu từ kinh doanh BĐS cũng giảm 86%; doanh thu từ mảng sản xuất công nghiệp giảm 8%” - Tổng Giám đốc Vinaconex Nguyễn Xuân Đông cho hay.

Kỳ vọng tăng trưởng

Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Cấn Văn Lực, mặc dù năm 2020 do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 nhưng tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt khoảng 3%, cao hơn mức bình quân chung trên toàn thế giới. Giai đoạn từ 2018 – 2019 bình quân tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,8%, tổng vốn đầu tư xã hội thực hiện tăng khoảng 10%, số dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng tăng 15%; dự báo trong năm 2021 tăng 6,5 - 7%, bình quân 10 năm tới có thể đạt 7%, nếu Việt Nam làm tốt các đột phá đã xác định cho giai đoạn tới. “Những số liệu trên sẽ mang đến nhiều tín hiệu tích cực để thị trường BĐS phát triển mạnh, là cơ hội tốt để các DN xây dựng đẩy mạnh hoạt động và nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh thời gian tới” – TS Cấn Văn Lực nhận định.

Đồng quan điểm, TS Cao Văn Bản – Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam cho biết, bối cảnh phát triển kinh tế vĩ mô và thị trường BĐS đang mở ra cho DN xây dựng những cơ hội mới để phát triển nhưng sẽ phải đối diện với những thách thức mới. Đó là số lượng DN xây dựng tăng mạnh, thời gian xây dựng công trình nhanh, yêu cầu giảm chi phí xây dựng từ chủ đầu tư, chất lượng sản phẩm xây dựng ngày càng cao. Vì vậy, DN xây dựng để thích ứng trong thời gian tới cần chú trọng hoàn thiện cơ cấu bộ máy quản lý phù hợp yêu cầu đổi mới DN theo hướng chuyên nghiệp, đặc biệt là DN tiến hành cổ phần hóa hoặc tiếp tục thoái vốn Nhà nước. Về quản lý chi phí xây dựng, bên cạnh việc tuân thủ quy định của Nhà nước về quản lý nội dung chi phí theo pháp luật hiện hành, cần quan tâm đến phương pháp kiểm soát chi phí trong các giai đoạn đầu tư để bảo đảm chi phí đầu tư phù hợp tiến đô xây dựng, nằm trong giới hạn cho phép; nâng cao năng lực cạnh tranh trong đấu thầu...

“Vấn đề có ý nghĩa hàng đầu đối với DN xây dựng là tận dụng thành quả của khoa học – công nghệ 4.0. Một mặt tạo ra các điều kiện thuận lợi cho sản xuất xây dựng, mặt khác cũng đòi hỏi DN xây dựng phải có những cố gắng trong việc tiếp thu, áp dụng vào sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới DN Nhà nước, chuyển đổi mô hình DN theo hướng cổ phần hóa, vừa là nền tảng để phát triển nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện tổ chức lại về cơ cấu bộ máy, cơ chế hoạt động thích hợp” – TS Cao Văn Bản nhìn nhận.
Đối với công tác xây dựng, việc hoàn thiện hệ thống thể chế dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực tuy nhiên vẫn còn một số quy định pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển hiện nay. Việc bám sát, theo dõi, đánh giá tác động chính sách; xử lý vướng mắc phát sinh từ thực tiễn chưa kịp thời, chưa thường xuyên... cũng gây ra những khó khăn cho DN xây dựng.

Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Tạ Quang Vinh