Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sốt sắng chinh phục thị trường

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện thực hóa mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD trong năm 2022, ngay từ những ngày đầu năm, các DN thủy sản Việt Nam đã bắt tay vào tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chí về an toàn thực phẩm của các thị trường nhập khẩu.

Chủ động nắm bắt cơ hội

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, năm 2022, ngành thủy sản vẫn có những lợi thế nhất định khi dịch Covid-19 được kiểm soát và DN có thể tận dụng các ưu đãi của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Minh chứng rõ nhất là ngay từ đầu năm 2022, nhiều DN đã chủ động nắm bắt thông tin thị trường, phối hợp chặt chẽ với nhà nhập khẩu để không bỏ lỡ đơn hàng đã ký kết.

Chế biến cá tra xuất khẩu.
Chế biến cá tra xuất khẩu.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Đỗ Lập Nghiệp cho biết, với diện tích vùng nuôi 1.000ha cùng lực lượng công nhân đã được tiêm vaccine và trở lại làm việc đầy đủ, ngay từ trước Tết Nguyên đán, tập đoàn đã đẩy mạnh hoạt động chế biến.

Chỉ tính riêng trong tháng 1/2022, tập đoàn đã xuất khẩu 8.000 tấn cá tra các loại sang 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng trị giá 20 triệu USD, tăng 60-70% so với cùng kỳ năm trước.

Còn tại Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (tỉnh Sóc Trăng), thời điểm này, công ty đang phối hợp với các địa phương tập trung phát triển vùng nuôi an toàn, đánh số cơ sở nuôi thủy sản để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Mục tiêu chiến lược mà công ty hướng tới là đưa mặt hàng tôm Việt Nam chiếm lĩnh các hệ thống phân phối cao cấp tại thị trường nước ngoài.

Nhận định về thị trường xuất khẩu trong năm 2022, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho rằng, năm 2022, xuất khẩu tôm sang Mỹ và EU dự kiến tiếp tục tăng trưởng 2 con số; xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2021, xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản tăng trưởng nhẹ do nhu cầu từ 2 thị trường này khá ổn định. Cùng với xuất khẩu tôm, xuất khẩu cá tra dự báo sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và thị trường Trung Quốc vẫn là khu vực tiềm năng cho xuất khẩu cá tra.

Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục tăng, đạt 2,1 triệu tấn, trị giá 9,2 tỉ USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với năm 2021. Đáng chú ý, nhóm hàng tôm vẫn là “điểm sáng” trong ngành hàng thủy sản xuất khẩu, mang về giá trị kim ngạch lớn nhất.

Vượt thách thức, hướng tới phát triển bền vững

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đánh giá, năm 2022, ngành thủy sản tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức như: Việc giao thương giữa các quốc gia vẫn còn khó khăn, giá cước vận chuyển quốc tế chưa có xu hướng giảm. Cùng với đó là sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia cũng như những cảnh báo về an toàn thực phẩm.

 

Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ hướng dẫn việc đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè; cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển. Cùng với đó, chú trọng việc hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác trên biển theo chuỗi để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

 

Đơn cử như, sản phẩm tôm muốn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc phải đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) mới được miễn kiểm dịch; Brazil quy định chế độ xử lý nhiệt rất khắt khe so với hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE)… đây là một số khó khăn mới của các DN xuất khẩu.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, năm nay, dịch bệnh tiếp tục là cản trở lớn tới sản xuất, xuất khẩu thủy sản, đặc biệt khi chính sách kiểm soát Covid-19 giữa các quốc gia có sự khác biệt. Đáng lo ngại nhất là thị trường Trung Quốc, với việc áp dụng chính sách “zero Covid-19” cùng với siết chặt kiểm soát hàng nhập khẩu cả biên mậu lẫn chính ngạch chắc chắn sẽ là thách thức lớn đối với DN xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung.

Theo dõi sát diễn biến thị trường, đồng hành cùng người nuôi trồng thủy sản và các DN, tại nhiều địa phương đang đẩy mạnh tái cơ cấu và ứng dụng công nghệ cao trong hệ thống nuôi trồng nhằm xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.

Chẳng hạn như tỉnh Bạc Liêu, với mục tiêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước, Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành dự án xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm đạt sản lượng 600.000 tấn thủy sản. Hiện, toàn tỉnh Bạc Liêu có gần 120.000ha diện tích thả nuôi tôm, gồm: Nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh gần 7.500ha; nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp hơn 110.000ha.

Đưa ra giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu ngành thủy sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương, DN tiếp tục triển khai có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, nỗ lực đạt mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD trong năm 2022. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục đàm phán, ký kết hợp tác với các quốc gia như: Indonesia, Malaysia, Myanmar... để trước mắt giải quyết vấn đề khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu.

Đọc tiếp