Doanh nhân chạy sô ngày Tết

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tiệc tất niên là một dịp để tôi chia sẻ và lắng nghe tâm sự của nhân viên. Khi mà không khí buổi tiệc thân mật, khoảng cách giữa sếp và lính như gần lại, người ta dễ mở lòng hơn.

KTĐT - Tiệc tất niên là một dịp để tôi chia sẻ và lắng nghe tâm sự của nhân viên. Khi mà không khí buổi tiệc thân mật, khoảng cách giữa sếp và lính như gần lại, người ta dễ mở lòng hơn.

Những ngày giáp Tết, tôi chật vật với các buổi tiệc tất niên. Chỗ nào cũng tình nghĩa hết nên một buổi tối, tôi chạy 2-3 sô là bình thường. Cũng chúc mừng, cụng ly, hát hò liên tục đến... khàn tiếng, hâm hấp sốt mới ra về.

Có những tiệc tất niên sang trọng, có ca sĩ nổi tiếng hát giúp vui và cũng có những bữa tất niên đạm bạc, chỉ là một bữa cơm trưa để tiễn công nhân về quê ăn Tết! Những buổi tất niên, dù sang dù hèn vẫn thấm đượm tình đồng nghiệp.

Tiệc tất niên là một dịp để tôi chia sẻ và lắng nghe tâm sự của nhân viên. Khi mà không khí buổi tiệc thân mật, khoảng cách giữa sếp và lính như gần lại, người ta dễ mở lòng hơn. Có những người, đôi khi cả năm, tôi chỉ gặp một lần vào dịp này. Qua các cuộc trò chuyện, tôi nhận ra rằng, nhân viên để ý sếp rất kỹ. Những bài báo tôi viết, những lần tôi xuất hiện trên truyền hình... được các bạn nhân viên nhắc với sự ngưỡng mộ. Còn bản thân tôi thì ngượng chín người khi nghe như vậy.

Không những thế, những lời nói tại bàn tiệc, dù là lúc tôi đã ngà ngà say cũng được nhân viên ghi nhận và chú ý. Sau buổi tiệc, một chị trưởng phòng gặp tôi và nói: Chị rất thích cách tôi cư xử trong tiệc tất niên hôm qua, đó là khi tôi nói với một bạn nhân viên khi bạn này gọi tôi là sếp: "Hãy gọi anh là anh thôi".

Tôi có nhớ mang máng chuyện này nhưng không ngờ những lời mình nói, tưởng vô thưởng vô phạt lại bị cấp dưới để ý như vậy. Hoặc là chỉ cần nhìn thấy tôi suy tư, có bạn nhân viên đã cầm ly bia đến mời và hỏi: Sao nhìn anh buồn vậy? Lại phải cười, nói, reo hò để không khí tiệc tất niên luôn sôi động, để những người đồng nghiệp thân yêu cảm nhận trọn vẹn tình cảm ấm áp của một gia đình thứ hai.

Tiệc tất niên cũng là dịp để mọi người tổng kết lại một năm trong không khí nhẹ nhàng, vui vẻ. Nhờ vậy mà những nhận xét, đánh giá cũng chân thành và tích cực hơn. Có lẽ đây cũng là dịp tốt nhất để góp ý và giãi bày. Với tâm lý còn những gì uẩn khúc trong lòng thì nói ra để năm sau bắt đầu bằng những niềm vui, sự hợp tác tích cực, tôi cũng đã nhận được rất nhiều đánh giá, chia sẻ của nhân viên với bản thân mình.

Tôi tâm niệm, đã làm quản lý phải là một người "đàn anh" thật sự: Phải bao dung, thông cảm, biết cách đứng đằng sau nhân viên và dám chịu trách nhiệm. Vì vậy, tiệc tất niên cũng là nơi tôi thể hiện sự "đàn anh" của mình. Những sai sót, lỗi lầm của nhân viên trong năm vừa qua, sẽ được góp ý nhẹ nhàng với thiện ý mong muốn nhân viên mình sẽ tốt hơn, hoàn thiện hơn! Tôi lớn lên, trưởng thành cũng nhờ những lần như vậy.

Tiệc tất niên cũng là nơi để nói lên lời cảm ơn. Có nhiều nhân viên đã làm việc xuất sắc trong suốt năm qua nhưng tôi chưa khen ngợi họ bao giờ. Có thể là ít có cơ hội gặp gỡ riêng hoặc tâm lý đợi đến cuối năm, mới đánh giá kết quả làm việc một lần nên tại tiệc tất niên, tôi luôn động viên khen ngợi những đồng nghiệp xuất sắc. Tôi hiểu cái siết chặt tay, lời động viên, khen ngợi luôn là những động lực mạnh mẽ để mọi người nỗ lực và phấn đấu hơn nữa trong tương lai. Chợt nhận ra rằng, sao mình tiết kiệm lời khen ngợi trong năm quá vậy. Một lần khen ngợi vào dịp tất niên là quá ít.

Tiệc tất niên cũng là dịp để nhìn về tương lai. Khi sống trong không khí tập thể gắn bó, đoàn kết, các mục tiêu, kế hoạch của năm sau dường như không còn quá khó để đạt được. Rất nhiều sáng kiến, đề xuất thiết thực được đưa ra trong những bữa tiệc như vậy. Dường như, bứt ra khỏi văn phòng với những áp lực triền miên, sức sáng tạo của con người được phát huy?

Cuối năm không chỉ dự tiệc tất niên ở công ty của mình mà còn được công ty bạn bè, đối tác mời. Chỗ nào cũng tình nghĩa. Đã đi chỗ này rồi mà không dự chỗ khác thì thể nào cũng bị trách móc. Vậy là phải ráng sắp xếp để đi dự đầy đủ nhất có thể được. Vào tiệc, cứ ngồi nhấp nhỏm để khai mạc tiệc xong, ăn 2, 3 món đầu là chạy qua chỗ khác. Tần suất chạy sô còn hơn ca sĩ ngôi sao. Nếu các nơi tổ chức tất niên gần nhau thì còn đỡ. Không may, ở 2 đầu thành phố thì chỉ có thể đi xe ôm vì ôtô thì kẹt cứng.

Có tiệc tất niên, không chỉ có nhân viên mà còn có sự tham dự của người thân trong gia đình. Nhìn những bé bụ bẫm trong khi nhân viên mình thì gầy còm, hiểu thêm về trách nhiệm và sự giỏi giang của nhân viên. Nhớ lại món tiền thưởng mà mình sắp trao, chạnh lòng vì thấy nó ít ỏi quá so với vật giá leo thang cũng như gánh nặng trong việc chăm lo con cái của nhân viên. Lại ngậm ngùi.

Tất niên nhiều nghĩa là ăn nhiều, uống nhiều, là không tập thể dục, là tăng cân, là thiếu ngủ, là bệnh tật. Dẫu biết rất rõ như vậy nhưng không tránh được. Một ông anh khuyên là phải biết nói "Không", bỏ tất niên mà về chơi với con. Nói thì dễ nhưng làm sao khó quá. Nếu như ai đã từng chứng kiến sự mong đợi của nhân viên khi có mặt sếp dự tất niên thì sẽ thông cảm và chia sẽ được. Cũng may, mỗi năm chỉ có một lần Tết để mà tất niên.

Lại hát nghêu ngao: "Tết nhất làm chi, ai bày, Tết nhất làm chi...".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần