Doanh nhân gốc Việt nâng tầm vị thế đất nước

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong số gần 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nhân Việt Nam đã và đang xây dựng được vị thế đáng kể tại nước sở tại nơi họ sinh sống và kinh doanh, góp phần định vị và nâng tầm thương hiệu Việt Nam trên thương trường thế giới.

Hầu hết doanh nhân Việt Nam khi khởi nghiệp ở xứ người đều phải vượt qua vô vàn khó khăn như vốn, địa điểm kinh doanh, khác biệt về ngôn ngữ, hành lang pháp lý… Chính những rào cản đó đã thôi thúc nhiều người Việt chọn hướng đầu tư thời gian, tiền của và công sức vào kinh doanh ẩm thực, với những món ăn giản dị của quê nhà như phở, bánh mỳ, bún chả…

Không đơn thuần chỉ là con đường để mưu sinh, kinh doanh hàng ăn của người Việt đã góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực của dân tộc trên khắp năm châu. Chị Lê Thị Mỹ Lệ, doanh nhân người Việt tại Anh đã chọn cách đầu tư trọn vẹn cả vật chất, tinh thần vào các món ăn dân dã của quê hương. Việc chị Lệ trở thành chủ nhân của chuỗi nhà hàng Miền Tây tại Anh, trong đó có tới 2 nhà hàng tại Thủ đô London là bằng chứng sống động cho những thành công bước đầu mà chị gặt hái được. Trong khi đó, chủ nhân của chuỗi vài chục nhà hàng mang thương hiệu “Phở Hòa” trên khắp nước Mỹ, ông Nguyễn Bình vẫn tiếp tục theo đuổi con đường chinh phục những thực khách khó tính nhất thế giới bằng tô phở Việt.

Doanh nhân gốc Việt nâng tầm vị thế đất nước - Ảnh 1
Chủ tịch Hạ viện Philippines Sonny Belmonte  và doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn  (áo sẫm).

Việc kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam tại nước ngoài cũng là cách được nhiều người lựa chọn. Lĩnh vực kinh doanh này vừa tạo thêm thu nhập cho những lao động nông nhàn trong nước, vừa là con đường ngắn nhất để thế giới biết đến những sản phẩm mang đậm dấu ấn tinh hoa sáng tạo và khéo léo của dân tộc. Ngay trong những lĩnh vực kinh doanh đòi hỏi hàm lượng chất xám cao như công nghệ thông tin, ngân hàng, marketing..., các doanh nhân gốc Việt vẫn khẳng định được chỗ đứng của mình.
 
Từ thương vụ bán trang  web Lala.com cho hãng Apple năm 2009 với giá 80 triệu USD, Bill Nguyễn đã dần dần "mê hoặc" giới công nghệ Mỹ, khiến họ sẵn sàng rót hàng chục triệu USD vào những dự án do doanh nhân trẻ này khởi xướng. Trong khi đó, kỹ sư Đoàn Trí Trung, người nắm trong tay khoảng 250 bằng sáng chế có giá trị trong lĩnh vực kỹ thuật điện tử của Mỹ đã để lại ấn tượng sâu sắc về thế hệ doanh nhân gốc Việt tài năng khi điều hành Semileds, một trong những doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chip LED.

Doanh nhân gốc Việt nâng tầm vị thế đất nước - Ảnh 2
Jimmy Pham (giữa) được vinh danh là nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu.

Dù kinh doanh trong lĩnh vực nào, quy mô nào và ở bất kỳ đâu, các doanh nhân Việt Nam luôn luôn hướng về nguồn cội, mong muốn được san sẻ và giúp đỡ cho đồng hương bằng cách giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập cho những người Việt Nam sinh sống, học tập tại nước ngoài. Với tấm lòng nhân hậu và tài kinh doanh trời phú, Jimmy Pham - Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận KOTO, đã giúp hàng trăm trẻ em lang thang trở thành những đầu bếp giỏi, những nhân viên nhà hàng chuyên nghiệp tại nhiều khách sạn và nhà hàng nổi tiếng ở Việt Nam.

Những đóng góp đáng trân trọng của doanh nhân xã hội này đã được Chính phủ sở tại Australia công nhận và được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vinh danh là Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu.

Với phương châm kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận của công ty mà còn vì sự phát triển chung của cộng đồng và đất nước, thông qua công việc của mình, ngoài lợi ích về kinh tế, các doanh nhân Việt đã tạo được niềm tin cho các đối tác nước ngoài vào môi trường đầu tư của Việt Nam, tạo ra cầu nối hợp tác trên mọi lĩnh vực giữa Việt Nam và nước sở tại. Trung tuần tháng 5 vừa qua, Hạ viện Philippines vừa ra Nghị quyết vinh danh ông Johnathan Hạnh Nguyễn vì những đóng góp tích cực trong việc thắt chặt mối quan hệ giữa Việt Nam - Philippines. Nghị quyết này là sự tưởng thưởng xứng đáng cho vị doanh nhân đã vượt qua nhiều khó khăn để mở đường bay thẳng Manila – TP. HCM 25 năm trước, giúp hành khách tiết kiệm được tiền của và thời gian khi không phải quá cảnh qua Bangkok, Thái Lan, tạo tiền đề thuận lợi để phát triển quan hệ hàng không của Việt Nam với nước ngoài.

Đầu tháng 4 vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng trên toàn thế giới đã liên tiếp đưa tin về sự kiện một doanh nhân người Việt mua đứt Buford, thị trấn nhỏ thuộc bang Wyoming, miền Trung nước Mỹ. Giá trị của thương vụ tuy chưa đến 1 triệu USD nhưng nó đã giúp định vị với bạn bè quốc tế về hình ảnh của một thế hệ doanh nhân người Việt dám nghĩ dám làm, sẵn sàng đầu tư khi thấy cơ hội.