Doanh nhân khiếm thị có hai bằng đại học

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dù bị mù bẩm sinh do ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam nhưng ngay từ nhỏ Hoàng Xuân Hạnh đã thể hiện rõ sự ham học hỏi và nhất quyết đòi được đi học.

 
Doanh nhân khiếm thị có hai bằng đại học - Ảnh 1
Thương cậu bé hiếu học, nhà trường nhận anh vào học dự thính. Ở trên lớp, tuy Hạnh không thể nhìn nhưng nhờ có trí nhớ tốt nên chỉ ngồi nghe mà cậu học trò khiếm thị ấy vẫn có thể nhớ được từng chi tiết trong bài giảng. Vì thời điểm đó, Hà Tĩnh quê anh chưa có chữ nổi nên anh tự tập viết bằng cách mò mẫm trên vở, rồi về nhà nhờ bố mẹ đọc lại, còn môn hình học thì bố căng dây lên tường để anh lần theo đó giải bài. Nhờ tinh thân ham học hỏi, chăm chỉ và sự quyết tâm mà nhiều năm liền, Hạnh luôn là học sinh xuất sắc của trường. Cảm phục trước tấm gương vượt khó của Hạnh, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã đặc cách tốt nghiệp THPT cho anh.

Sau khi tốt nghiệp THPT, anh đã đăng ký dự thi nhiều trường đại học nhưng không được chấp nhận. Hạnh đã tự học ở nhà ba năm qua chương trình giáo dục từ xa trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1997, anh lặn lội ra Hà Nội mang theo quyết tâm được đặt chân vào giảng đường đại học. Vì gia đình quá khó khăn, anh phải vừa ôn thi vừa làm thêm, sáng giảng dạy tại trung tâm Hội người mù, tối đi làm tẩm quất, mát xa. Năm 2000, Hạnh thi đậu Khoa Triết trường ĐH KHXHNV Hà Nội. Mặc dù đã thỏa ước nguyện đại học nhưng Hạnh vẫn tiếp tục ôn thi theo chương trình giáo dục từ xa. Năm 2004, anh được đặc cách vào học Khoa Quản trị kinh doanh (Viện Đại học Mở Hà Nội). Với tâm niệm: “Mình không có được đôi mắt sáng thì phải có cái đầu sáng hơn người ta” nên Hạnh luôn cố gắng để theo kịp chương trình học và ba năm sau đó, anh đã thỏa nguyện được ước mơ sở hữu hai tấm bằng đại học.

Trong thời gian học đại học, Hạnh đã có ý tưởng mở một tiệm tẩm quất vừa để tạo thêm thu nhập vừa để giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ. Nhưng cũng phải đến năm 2004, Trung tâm người mù tẩm quất Hoàng Kim mới ra đời. Ban đầu, vừa thiếu vốn lại chưa có mặt bằng nên Trung tâm chỉ có hai anh em thay nhau làm mọi việc. Nhưng đến nay, Trung tâm đã thành một cơ sở khang trang, thường xuyên có từ 8 - 10 người khiếm thị làm việc với thu nhập trung bình từ 3 - 6 triệu đồng/tháng/người. Từ năm 2004 đến nay đã có hơn 200 người khiếm thị đã từng làm việc tại đây, trong đó có người đã mở trung tâm riêng.

Không dừng lại ở đó, hiểu thế mạnh của thương mại điện tử, nên năm 2010, Hạnh đã lập trang web Hoangkim.net.vn và thegioimatxa.net (trang này hiện có hơn 400 gian hàng được trưng bày). Hạnh còn là thành viên của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, Hiệp hội làng nghề Việt Nam và tích cực tham gia Hội bảo trợ người khuyết tật của Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội. Thời gian tới, Hạnh dự định sẽ tiếp tục giúp người khiếm thị tiếp cận thương mại điện tử, giúp họ sống có ý nghĩa hơn, “tàn nhưng không phế”.