Doanh thu hơn 16,4 nghìn tỷ đồng, Vinatex có lãi trong khó khăn

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Việt Nam giữ được vị trí trong top 3 các nước xuất khẩu dệt may...

Đó là thông tin được Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Công đoàn Dệt may Việt Nam công bố tại buổi họp báo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và phong trào công nhân lao động năm 2021 chiều 23/12, tại Hà Nội.

Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Kết quả ngoài mong đợi

Theo Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu, năm 2021 là một năm thực sự khó khăn đối với ngành Dệt may Việt Nam, đặc biệt với những doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam khi phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, dẫn đến chuỗi sản xuất gần như bị đứt gãy.

Trong quý III/2021, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, lao động không được đến nhà máy nên đã xảy ra tình trạng không bảo đảm tiến độ giao hàng, bị phạt hợp đồng. Điều này dẫn đến tình trạng một số khách hàng chuyển đơn hàng sang thị trường khác, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và suy giảm đà tăng trưởng của toàn ngành.

Từ quý IV, các tỉnh phía Nam dần mở cửa trở lại và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, phấn đấu đưa cả nước chuyển sang trạng thái “bình thường mới” ngay trong năm 2021 và các doanh nghiệp bắt đầu trở lại sản xuất.

Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành Dệt May Việt Nam đã vượt qua khó khăn duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2021, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Giữ được vị trí trong top 3 các nước xuất khẩu dệt may và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá ở vị trí cao nhất trong cơ hội phục hồi năm 2022.

“Với vai trò là hạt nhân, nòng cốt dẫn dắt các giải pháp chung của ngành, hoạt động của Vinatex và các đơn vị thành viên được duy trì hiệu quả, đặc biệt, các doanh nghiệp ngành sợi có mức tăng trưởng “ngoạn mục” cả về doanh thu và lợi nhuận” - ông Cao Hữu Hiếu khẳng định. Qua đó, đưa tổng doanh thu và thu nhập hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 16.436 tỷ đồng, bằng 110,7% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.200 tỷ đồng, bằng 202% so với cùng kỳ, đạt 170% kế hoạch. Cao hơn năm 2019 trước đại dịch gần 70%.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh chung toàn Tập đoàn, đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA,… bên cạnh việc đầu tư chiều sâu để nâng cao năng lực của các đơn vị, Vinatex cũng đã đưa vào hoạt động hai nhà máy sợi mới đó là: Nhà máy Sợi 3, Công ty cổ phần Sợi Phú Bài với quy mô 32.000 cọc sợi, đi vào hoạt động từ tháng 6/2021 (Đây là nhà máy có quy mô 2 tầng đầu tiên trong hệ thống các đơn vị trực thuộc Vinatex); Nhà máy Sợi 2, Công ty Cổ phần Vinatex Phú Hưng với quy mô 22.800 cọc sợi, đi vào hoạt động từ tháng 10/ 2021.

Thời gian tới, Vinatex cùng các đơn vị thành viên tiếp tục đẩy mạnh phối hợp xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ sợi - dệt - nhuộm - may hướng tới trở thành “một điểm đến trọn gói cho khách hàng trong ngành dệt may thời trang”. Với mục tiêu giai đoạn 2022 - 2025 là hình thành năng lực cung ứng đủ lớn cho ngành hàng dệt kim, đáp ứng được yêu cầu ban đầu của các chuỗi cung ứng quy mô lớn của thế giới, trên nền tảng của ngành sợi đã khá phát triển trong 5 năm qua, cùng với một ngành may quy mô và có uy tín. Tiếp tục duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là cạnh tranh theo chuỗi cung ứng trọn gói trong Tập đoàn. Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng chung trên 8%, chú trọng chất lượng tăng trưởng thể hiện qua tỷ lệ giá trị gia tăng và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu.

Chăm lo giữ chân người lao động

Trong năm 2021, đại dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp, người lao động trong hệ thống Công đoàn Dệt may với 49 doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp (32 doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” với 15.267 người lao động, 17 doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất);  35.023 người lao động ngừng việc từ 2 - 2,5 tháng do thực hiện phong tỏa, cách ly hoặc doanh nghiệp ngừng sản xuất, thu nhập giảm sút, đời sống khó khăn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phải chịu thêm nhiều chi phí về phòng dịch, trả lương ngừng việc, tổ chức “3 tại chỗ", điều trị, cách ly tại chỗ cho người lao động khi doanh nghiệp có F0,...

Người lao động trong phân xưởng của Tổng Công ty May 10 hăng say làm việc. Ảnh: Khắc Kiên

Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam Phạm Thị Thanh Tâm thông tin, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động với tổng mức hỗ trợ hơn 34,9 tỷ đồng. Ngoài ra, để đồng hành cùng cộng đồng trong việc phòng chống dịch, Công đoàn Dệt may và các doanh nghiệp đã tặng khẩu trang cho các địa phương tâm dịch, lực lượng tuyến đầu; tặng áo cho người lao động trong khu cách ly; cử lực lượng tham gia hỗ trợ tuyến đầu và chăm sóc người bệnh; ủng hộ quỹ vắc-xin quốc gia; hỗ trợ may trang phục cho y bác sỹ một số bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh,... Tổng số tiền hỗ trợ gần 14 tỷ đồng, trong đó cấp Công đoàn ngành hơn 1 tỷ đồng. Tổng kinh phí hỗ trợ cho các chương trình lên đến gần 50 tỷ đồng,...

Nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022, Công đoàn Dệt May dự kiến sẽ chi 3 tỷ đồng (gấp đôi Tết 2021) để chăm lo, hỗ trợ cho người lao động. Trong đó, đặc biệt ưu tiên đến người lao động tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19. Các doanh nghiệp và công đoàn cơ sở cũng tiến hành các hoạt động chăm lo tại chỗ cho người lao động như: Tháng lương thứ 13, thưởng Tết, tặng quà Tết cho 100% người lao động; Tổ chức liên hoan cuối năm; Bố trí xe, hỗ trợ vé tàu xe cho người lao động về quê đón Tết; Tổ chức đón tết cho những người lao động không về quê,… với tổng số tiền dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng.

“Căn cứ vào thực tế, có doanh nghiệp thưởng 1 tháng, có doanh nghiệp thưởng 1,5 - 2 thàng lương. Song đó là việc làm thiết thực với mục đích đảm bảo quyền lợi của người lao động, khuyến khích giữ chân người lao động gắn bó và sẻ chia trong giai đoạn khó khăn với doanh nghiệp và ngành” - bà Phạm Thị Thanh Tâm nói.