Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Độc đáo chợ phiên đồ gốm trong quán cafe giữa lòng TP Hồ Chí Minh

Thùy Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những món đồ quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày như: Bát đĩa, ấm trà, bình hoa, ly tách với họa tiết hoa tinh tế,… và điều đặc biệt là tất cả đều được làm hoàn toàn từ gốm.

Chợ phiên đồ gốm nằm tại một quán cafe, trong con hẻm nhỏ trên đường Hồ Hảo Hớn (phường Cô Giang, quận 1, TP Hồ Chí Minh), thu hút sự quan tâm của nhiều người đến tham quan.
Anh Phùng Văn Đức chia sẻ vì có quá nhiều sản phẩm đẹp nên lựa cho mình 1 món ưng ý quả thật là rất khó. Ảnh: Thúy Nhi
Khởi nghiệp từ đam mê với gốm
Chợ phiên đồ gốm đi vào hoạt động từ tháng 8/2019 đến nay, do một nhóm 3 bạn trẻ sáng lập với cùng chung một niềm đam mê bất tận với gốm.
Chia sẻ về chợ phiên đồ gốm đặc biệt này, anh Lê Thuận Vũ - người khởi xướng dự án cho biết, xuất phát từ sự đam mê và yêu thích với gốm sứ, anh đã cùng bạn bè sưu tầm, thu mua những món đồ gốm sau mỗi chuyến đi tại khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Qua mỗi chuyến đi, cứ thế số lượng các món đồ gốm ngày càng tăng lên nên nhóm đã quyết định mở một phiên chợ bày bán những gì mình sưu tập được.
Ban đầu, chợ phiên mở ra với mục đích muốn lan tỏa rộng rãi và chia sẻ niềm đam mê về gốm. Nhưng sau khoảng một thời gian, chợ phiên càng được nhiều sự quan tâm và yêu thích của mọi người.
"Gốm Việt thực sự không hề thua kém gốm của các nước khác, mẫu mã và kiểu dáng rất đẹp. Tôi mong muốn có thể giới thiệu được nhiều hơn nét đẹp của gốm Việt thông qua phiên chợ này", anh Vũ chia sẻ.
Chị Phạm Thị Yến đang tỉ mỉ lựa chọn cho mình những sản phẩm khi lần đầu đến tham quan chợ phiên. Ảnh: Thúy Nhi
Khi được hỏi về lý do mở chợ phiên, anh Vũ cho biết, lấy ý tưởng từ chợ phiên làng quê ngày xưa, vào một thời điểm định kỳ mọi người sẽ tập trung lại để diễn ra phiên chợ và sau đó là tan phiên chợ. Nhóm không lựa chọn cách buôn bán gốm như cách thông thường là mở ra một cửa hàng và trưng bày tiệm nào cũng na ná như nhau.
Ở chợ phiên này, nhóm mong muốn rằng mọi sản phẩm gốm đều được thể hiện được hết tất cả những vẻ đẹp riêng và từng không gian sẽ đi đôi với cách trưng bày.
Ban đầu nhóm bán tại nhà một người bạn và sau đó một vài quán cafe ở quận 1 và quận Phú Nhuận cảm thấy thích gốm của nhóm cũng như nhận thấy rằng gốm phù hợp với không gian của quán nên đã mời nhóm về họp chợ phiên. Nhóm đã tinh tế đưa phiên chợ vào bên trong không gian quán cafe, qua đó tạo sự thoải mái cho người tham quan chợ.
Hòa mình vào không gian của gốm
Người tham gia chợ phiên được thoải mái xem, ngắm vật trưng bày để có thể lựa chọn cho mình một món ưng ý. Phiên chợ đã mang đồ gốm đến gần hơn với giới trẻ và giúp họ hiểu thêm về đồ gốm. Từng chiếc ly, bộ ấm trà, bình hoa, chén, tách… được trưng bày tại đây đều do chính tay các thành viên của nhóm phiên chợ sưu tầm. Mỗi một đồ vật tại phiên chợ đều mang một nét đẹp và linh hồn riêng.
Những sản phẩm làm từ gốm có thể được tận dụng tối đa từ làm vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày đến trang trí và làm quà tặng cho bạn bè, người thân.
Xen kẽ giữa những sản phẩm gốm tinh xảo của Nhật, những sản phẩm gốm sứ mộc mạc của nhiều làng nghề Việt Nam như: Gốm Lái Thiêu, gốm Bình Dương, gốm Chu Đậu... cũng góp mặt tại phiên chợ này.
Bộ nhím dễ thương được làm từ gốm. Ảnh: Thúy Nhi
Không gian bố trí gốm vào mỗi phiên chợ đều sẽ được thay đổi và không trùng lặp nhau. Bao gồm 8 khu trưng bày ở chợ phiên đồ gốm như: Khu vực trưng bày những sản phẩm đi theo bộ đặc sắc nhất như bộ ấm trà, bình hoa và đây gần như là điểm nhấn trong chợ phiên này; Khu vực trưng bày bình rượu, bộ trà; Khu vực trưng bày dòng gốm ngũ sắc và gốm men lam; Khu vực bàn dễ thương gồm những đồ vật có tính trưng bày cao như tượng thú, những chiếc lọ, bình hoa; Khu vực trưng bày gốm đi theo bản màu như màu: Đen, nâu, trắng, hồng, xanh lam, gốm mộc; Khu vực trưng bày thủy tinh.
Các sản phẩm ở đây phù hợp với mọi đối tượng khách hàng, tùy vào màu sắc, kích thước, độ phức tạp của hoa văn mà mỗi món đồ gốm có giá dao động từ vài chục ngàn đồng cho đến vài triệu đồng.
Anh Vũ chia sẻ, cho đến thời điểm này chợ phiên lập ra đều hoàn toàn dựa trên mục tiêu đam mê, yêu thích và làm những điều mình yêu thích sẽ khiến cuộc sống của mình thêm ý nghĩa hơn. Ngay từ khâu nhóm mình đi sưu tầm gốm là các thành viên đều cũng đã cảm thấy tự thỏa mãn sự yêu thích dành cho gốm.
Trong thời gian sắp tới, chợ phiên đồ gốm mong muốn đẩy mạnh bán nhiều hơn nữa những sản phẩm về gốm Việt, để gốm Việt có thể phát triển và đến gần gũi hơn với mọi người.
 Các sản phẩm của khu vực trưng bày bình rượu, bộ trà. Ảnh: Thúy Nhi
Anh Phùng Văn Đức tranh thủ một ngày nghỉ đã chạy xe từ Thủ Đức đến quận 1 cho kịp chợ phiên chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi đến tham gia chợ phiên đồ gốm và điều đầu tiên là tôi cảm thấy khá ngạc nhiên trong không gian trưng bày đồ gốm như thế này. Những sản phẩm gốm trưng bày tại chợ phiên tạo cho tôi một cảm giác khá gần gũi và có rất nhiều sản phẩm phong phú. Chúng đều rất đẹp và mang một nét tinh tế khác nhau.
Chị Phạm Thị Yến ra về với một túi khá nhiều những sản phẩm gốm do chị đã tỉ mỉ lựa chọn tại chợ phiên cho biết: Những sản phẩm gốm ở đây rất là đẹp, tinh tế, màu sắc cũng như là chất liệu rất là ấn tượng, có nhiều kiểu dáng độc đáo và rất nghệ thuật.
"Tôi khá thích những sản phẩm từ gốm và được biết chợ phiên này qua trang facebook và hôm nay quyết định đến để mua. Chắc chắn rằng tôi sẽ còn quay lại trong thời gian tới để có thể lựa chọn cho mình những món đồ phù hợp", chị Phạm Thị Yến nói.
Chợ phiên sẽ họp chợ hàng tuần vào các ngày thứ 4, thứ 5 trên đường Hồ Hảo Hớn, quận 1 và vào thứ 7, Chủ nhật trên đường Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận. Hứa hẹn chợ phiên đồ gốm sẽ trở thành địa điểm thú vị vào những ngày cuối tuần cho tất cả những ai yêu thích những sản phẩm đẹp mắt từ gốm.
Sự kết hợp hài hòa giữa quán cafe và không gian trưng bày gốm được nhiều bạn trẻ chú ý và yêu thích. Khi vừa có thể tận hưởng một cốc cafe và vừa có thể tham quan và chọn cho mình những sản phẩm ưng ý.