Độc đáo làng cổ Cự Đà

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm nép mình bên dòng Nhuệ Giang, làng cổ Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) nức tiếng gần xa không chỉ bởi những kiến trúc cổ hàng trăm năm tuổi theo quy hoạch độc đáo “nhất cận thị, nhị cận giang” mà còn bởi sắc vàng óng ả của miến, hương thơm của tương và người dân dễ mến.

Di tích quốc gia Chùa Cự Đà được điểm tô bởi màu vàng của miến.
Di tích quốc gia Chùa Cự Đà được điểm tô bởi màu vàng của miến.
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về phía Tây, làng Cự Đà mang trong mình một không gian văn hóa độc đáo, với cổng làng, cổng xóm, những ngôi chùa, ngôi đình cổ được xếp hạng. Bên cạnh đó là những ngôi nhà cổ vẹn nguyên lối kiến trúc của đồng bằng Bắc Bộ và kiến trúc kiểu Pháp cách đây hơn 100 năm. Quy hoạch tự nhiên của làng theo đúng mô hình “nhất cận thị, nhị cận giang” điển hình cho một làng Việt cổ vừa nông nghiệp vừa thương mại.

Với địa thế nằm bên bờ sông Nhuệ, làng Cự Đà từng là nơi buôn bán sầm uất những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Vì thế, thời bấy giờ, nơi đây được ví von với cái tên hào nhoáng - “Làng Doanh nhân”, đồng thời, thu hút nhiều khách thập phương. Tuy nhiên, trong đó trà trộn cả kẻ trộm cắp gây mất an ninh, trật tự nên các nhà đều xây cổng, mỗi xóm lại có cổng riêng, đường đi được lát gạch nghiêng, cổng xóm ban đêm được đóng kín bằng cánh cửa gỗ. Đặc biệt hơn, nơi đây còn là làng cổ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được đánh số nhà, có biển ghi tên ngõ, xóm như ở phố. Đó là những điều hiếm có ở các làng xã Bắc Bộ và cả Việt Nam.

Không chỉ được khám phá những nét cổ kính của ngôi làng, tới thăm Cự Đà vào ngày nắng, du khách sẽ có cảm giác như đang lạc vào mê cung sắc vàng: Màu nắng rót xiên kẽ lá lên đường làng, ngõ xóm, vàng trong sân chùa, vàng dọc lối đi... và cả màu vàng óng lấp lánh trên những sợi miến dong. Sáng sớm ở đây, đường làng nhộn nhịp người mang miến ra phơi, dựng các phên bánh miến vào các hàng xà cọc bằng tre gỗ dọc hai bên đường. Bánh đủ độ khô dẻo sẽ được dỡ khỏi phên để thái thành sợi, rồi lại được vắt vào từng cây sào tre để mang đi phơi tiếp cho khô, cuối cùng, chúng được cuộn thành cuộn nhỏ để đóng gói. Miến Cự Đà rất được ưa chuộng bởi sợi miến vàng, ngon và dai. Cùng với miến, Cự Đà còn có nghề làm tương truyền thống. Từ lâu, tương Cự Đà có tiếng thơm ngon và đi vào ca dao như một thương hiệu: “Tương Cự Đà – cà làng Đám”. Làm tương là nghề cổ nhất của làng và đến nay nhiều gia đình vẫn coi đây như một cái nghiệp không thể bỏ. Tương Cự Đà thơm, ngon đậm đà nhờ được phơi ủ cầu kỳ, hương vị khác với tương Bần. Một ngày ở làng cổ Cự Đà để lại cho chúng tôi bao ấn tượng, không chỉ bởi nét cổ kính rêu phong mà cả vẻ đẹp trong lao động sản xuất, sự hiếu khách của người dân nơi đây. Rời “Làng Doanh nhân”, chúng tôi không quên mua những lọ tương, bó miến về làm quà.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần