95 năm ngày thành lập đảng

Độc đáo lễ hội ở 4 xứ Mường Hòa Bình

Tâm Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Từ lâu, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng không thể thiếu trong dịp Tết đến Xuân về của người Mường.

Năm 2025, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường diễn ra trong hai ngày mùng 7 và mùng 8 tháng Giêng âm lịch tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Lễ hội hứa hẹn mang đến những hoạt động sôi động, ý nghĩa, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh năm 2024.
Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh năm 2024.

Từ lâu, Lễ hội Khai hạ đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng không thể thiếu trong dịp Tết đến Xuân về của người Mường Hoà Bình. Đây cũng là dịp để đồng bào 4 Mường trong tỉnh là Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động giao lưu, gặp gỡ, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng, thể hiện lòng thành kính tạ ơn trời đất.

Lễ hội Khai hạ hay còn gọi là Lễ xuống đồng, Lễ mở cửa rừng, gắn với truyền thuyết Quốc Mẫu Hoàng Bà - thân mẫu của Đức Thánh Tản, người có công gây dựng mảnh đất Mường. Do vậy, lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập mường và cầu mong vạn vật sinh sôi phát triển, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ban Tổ chức lễ hội cho biết, Lễ Khai hạ dân tộc Mường năm nay được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, bao gồm nhiều hoạt động phong phú như biểu diễn nghệ thuật truyền thống, chơi trò chơi dân gian và thi đấu các môn thể thao dân tộc.

Theo nghiên cứu của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình: các nghi lễ thực hành, tái hiện ở lễ hội của 4 vùng Mường là sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh sâu sắc được cộng đồng tổ chức trang trọng, linh thiêng. Nghi lễ cũng thay lời dân Mường thỉnh cầu ước nguyện với trời đất, thần thánh, tổ tiên cho mưa thuận, gió hòa, gửi gắm một vụ mùa bội thu, năm mới ấm no, mọi người mạnh khỏe, bình yên về trên bản Mường. Đây là bản sắc văn hóa, các giá trị truyền thống của dân tộc Mường.

Tại huyện Tân Lạc, Lễ hội Khai hạ Mường Bi là hoạt động mang tính cộng đồng, gắn với văn hóa tâm linh, tín ngưỡng với truyền thuyết Quốc Mẫu Hoàng Bà, thân mẫu của Đức Thánh Tản - người đã chỉ dạy cho con dân Mường Bi cách làm ruộng, cách ăn, cách ở; Tản Viên Sơn Thánh, con rể của vua Hùng Vương thứ 18, người có công giúp vua chống giặc ngoại xâm, mang lại sự bình yên cho Nhân dân. Ải Lý, Ải Lo, hai vị thần đã dạy cho con dân Mường Bi cách đào mương dẫn nước…

Theo quan niệm xưa, ngày Xuân cày ruộng, trước khi đặt chân xuống cánh đồng, phải tổ chức nghi lễ tế trời, khai đất. Cúng để mong mưa thuận, gió hòa, cho một mùa màng tươi tốt. Lễ hội cũng khuyến khích người dân trăm họ chăm lo sản xuất.

Sau lễ cúng, người nam giới khỏe mạnh được cử vác cày, lùa trâu xuống cánh đồng, những con trâu to, khỏe mạnh mẽ kéo chiếc cày lưỡi sắc, kéo những đường cày thẳng, sâu trên đồng ruộng.

Chị em phụ nữ cũng nhổ mạ, đi cấy. Công việc diễn ra trong không khí sôi động tạo sự khởi đầu tốt lành của năm mới. Theo bà con vùng Mường Bi quan niệm, chưa có nghi lễ này thì nông dân chưa được xuống đồng.

Lễ hội Khai hạ Mường Vang (huyện Lạc Sơn) tổ chức vào ngày mùng 4 tháng Giêng tại miếu Áng Ka và tại Mái đá Làng Vành, xã Yên Phú vào ngày mùng 7 tháng Giêng.

Tại xứ Mường Vang có lễ rước bông cơm trái lúa và ban lúa lộc đầu Xuân. Nghi lễ này diễn ra từ sáng sớm. Đoàn rước kiệu từ đình Khênh ra, dẫn đầu là thầy mo, phía cuối là dàn sắc bùa cùng hàng trăm dân làng ra miếu làm thủ tục cúng lễ để rước kiệu lúa về đình làm hội. Những bông lúa sau đó được bó thành từng bó nhỏ, buộc bằng sợi chỉ màu dành ban lộc cho mọi người.

Với xứ Mường Vang, nếu ai về dự hội mà được nhận những bông lúa tròn, mẩy buộc sợi chỉ đỏ, chỉ vàng tượng trưng cho sự may mắn, mùa vàng bội thu trong những ngày đầu xuân là rất ý nghĩa. Nghi lễ có ý nghĩa nhân văn, mang tài lộc, phú quý đến với mọi người, mọi nhà.

Tại Lễ hội Khai mùa Mường Thàng (huyện Cao Phong) tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng hàng năm có hội rước nước từ giếng cổ lên. Trước khi làm lễ, các nam thanh nữ tú dùng gáo tre lấy nước tại giếng cổ, trao cho thầy cúng dâng lên trước ban thờ miếu Cả, xã Dũng Phong cầu cho mọi việc sạch sẽ, mát mẻ, mọi người an lành, mạnh khỏe, mọi vật sinh sôi.

Sau lễ tế Thành Hoàng tại miếu đến màn rước nước cùng rước Thành Hoàng về sân hội. Điều lạ, giếng cổ này chưa bao giờ cạn, nước đầy ăm ắp quanh năm và trong tới tận đáy. Người dân trong vùng gọi đây là “giếng thần”.

Lễ hội Khai hạ ở huyện Kim Bôi (Mường Động), được tổ chức vào ngày mùng 3 tháng 5 âm lịch tại miếu Mường Chanh. Mỗi địa điểm nơi diễn ra lễ hội đều gắn liền với lịch sử của các vị thần là người có công lập đất, lập mường.

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường được tổ chức là hoạt động triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh nhằm tuyên truyền, quảng bá về văn hóa, con người, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của Hoà Bình để phát triển du lịch.