Độc đáo ngôi chùa gốm sứ ở Bát Tràng

Hằng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làng gốm Bát Tràng nằm ven sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội) không chỉ là một làng nghề truyền thống nổi tiếng mà nơi đây còn có một ngôi chùa có vẻ đẹp độc đáo.

Lưu giữ tinh hoa làng nghề

Xã Bát Tràng có hai thôn là Giang Cao và Bát Tràng, cả hai thôn đều có nghề làm gốm lâu đời. Trong đó, thôn Giang Cao có một ngôi chùa nổi tiếng là Tiêu Dao. Theo các cụ cao niên trong làng, qua nhiều đời truyền kể lại, chùa Tiêu Dao được xây dựng từ khoảng thời Trần (1226-1400).

Chùa Tiêu Dao được xây dựng từ khoảng thời Trần (1226-1400). Ảnh: Lại Tấn
Chùa Tiêu Dao được xây dựng từ khoảng thời Trần (1226-1400). Ảnh: Lại Tấn

Ngôi chùa từng là cơ sở cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trải qua nhiều thăng trầm và biến cố, nhiều kiến trúc của chùa không còn nguyên vẹn. Vào năm 2011, khi sư thầy Thích Bảo Đức về trụ trì chùa, sư thầy đã có ý tưởng đưa những tinh hoa của làng gốm vào kiến trúc tâm linh, tạo nên một bản sắc văn hóa riêng của ngôi chùa.

Nhiều hoạ tiết trong chùa được các nghệ nhân làm từ gốm. Ảnh: Lại Tấn
Nhiều hoạ tiết trong chùa được các nghệ nhân làm từ gốm. Ảnh: Lại Tấn

Ngôi chùa ngoài sử dụng gốm sứ làm chất liệu cho các hạng mục, những nghệ nhân trong làng còn đặc biệt chú trọng vào hoa văn, chi tiết để tạo nên sự hài hòa tổng thể. Sự kết hợp giữa làng nghề gốm sứ truyền thống và văn hóa tâm linh ở chùa Tiêu Dao đã mang lại vẻ đẹp độc đáo.

Từ cổng tam quan chùa, khách tham quan đã có cảm nhận khác biệt rõ nét về chùa Tiêu Dao khi ngắm nhìn. Tam quan được phủ gốm, phần mái cổng là gốm nung mộc đỏ, các cột cổng được ghép tỉ mỉ từ hàng nghìn mảnh gốm nhỏ. Những câu đối trên cột cổng sử dụng tiếng Việt, từng chữ cái ghép thành câu đối cũng làm từ những mảnh gốm mầu chàm.

Tiến vào sân chính, hai gian thờ 18 vị La Hán được bài trí tinh tế. Các cột trụ bên ngoài cũng được trang trí với họa tiết rồng mây, hoa lá... bằng gốm sứ, tất cả các chi tiết, từ tượng đến tranh tường và đường viền ban thờ, đều được chế tác và ghép từ gốm sứ.

Các hoạ tiết, hoa văn trong chùa được làm bằng gốm. Ảnh: Lại Tấn
Các hoạ tiết, hoa văn trong chùa được làm bằng gốm. Ảnh: Lại Tấn

Khi bước vào trong chùa, khách tham quan tiếp tục được đắm chìm trong các tác phẩm gốm là những bức phù điêu về Phật giáo, các họa tiết trang trí hoa sen, tùng, cúc, trúc, mai... với nhiều màu sắc khác nhau.

78 pho tượng được “gốm sứ hoá”

Tổng thể, chùa Tiêu Dao có 78 pho tượng gốm. Trong đó, tại gian chính diện của tòa tam bảo, hai pho tượng Hộ pháp được chính nghệ nhân trong làng chế tác liền khối bằng gốm sứ với các đường nét rất tinh xảo. Mỗi bức tượng cao 2,5m và mất hơn một năm để hoàn thiện. Theo Thầy Thích Tục Chân – Trụ trì chùa Tiêu Dao (Bát Tràng, Gia Lâm): “Nét độc đáo của ngôi chùa thể giá trị nghệ thuật của các chi tiết, hoa văn, tinh thần của các nghệ nhân”.

Tổng thể, chùa Tiêu Dao có 78 pho tượng gốm. Ảnh: Lại Tấn
Tổng thể, chùa Tiêu Dao có 78 pho tượng gốm. Ảnh: Lại Tấn

Ngoài các pho tượng, những bậc thềm lên tòa tam bảo cũng được làm từ gốm với họa tiết hoa sen. Điều đó khiến khách tham quan dành nhiều thời gian để chiêm ngưỡng từng tác phẩm. Bên trong tòa tam bảo, ngoài hệ thống tượng Phật bằng gốm thì ban thờ cũng được ghép bằng những mảnh gốm, tạo hình rồng, mây, hoa lá hết sức sinh động. Ngoài ra, toàn bộ đầu đao mái chùa, linh thú trang trí đều được làm bằng gốm sứ.

Qua việc đưa gốm sứ được chế tác từ những bàn tay tinh hoa, người làng Giang Cao muốn tôn vinh sản phẩm, giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống. Hai giá trị văn hóa làng nghề và phật giáo đan quyện vào nhau trong không gian Tiêu Dao tự chính là tâm huyết của người dân.

Từ trung tâm TP đến chùa Tiêu Dao chỉ khoảng hơn 10 km. Ngôi chùa nằm gần UBND xã Bát Tràng, cách đê sông Hồng khoảng vài trăm mét. Do đó, đây đang là điểm đến của nhiều du khách, góp phần tăng sức hấp dẫn của du lịch Bát Tràng.