Độc đáo nhưng phải tiện dụng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua 3 năm tổ chức, cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) do Sở Công thương Hà Nội chủ trì đã góp phần quan trọng thay đổi tư duy, nhận thức của các cơ sở sản xuất, DN, đội ngũ nghệ nhân trong vấn đề thiết kế mẫu sản phẩm.

Độc đáo nhưng phải tiện dụng - Ảnh 1
Năm 2015, cuộc thi tiếp tục được tổ chức với tiêu chí quan trọng là tính sáng tạo, nhưng cũng phải tiện dụng, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Mẫu mã ngày càng quan trọng

DN tư nhân Ngọc Phát (phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây) là DN có tuổi đời mới chỉ 10 năm, nhưng đã có chỗ đứng khá vững chắc trong thị trường hàng sơn mài. Không chỉ “xuất khẩu tại chỗ” (bán trong các quầy hàng lưu niệm cho khách nước ngoài) mà còn theo nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn sang các thị trường Nhật, Thái, Ý, Pháp…  Sản phẩm của Ngọc Phát dù có giá thành cao hơn mức giá chung của các sản phẩm cùng loại nhưng vẫn được khách hàng, đặc biệt là khách hàng nước ngoài ưa chuộng.

Để có được điều này, DN Ngọc Phát đã đặc biệt chú trọng đầu tư vào khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm với một đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp. Anh Nguyễn Tấn Phát - chủ DN Ngọc Phát cho biết, sở dĩ mình đầu tư đặc biệt vào khâu này, là vì anh sớm ý thức được tầm quan trọng của mẫu mã sản phẩm. DN đã từng có nhiều sản phẩm đoạt giải trong các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm TCMN. Đặc biệt, năm 2014, sản phẩm bộ đĩa cá biển chất liệu sơn mài của DN Ngọc Phát đã đoạt giải Nhất cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm TCMN do Sở Công thương Hà Nội tổ chức: “Mình ra đời muộn hơn những cơ sở khác thì phải có điểm gì đặc biệt để thu hút khách hàng. Tôi không chú trọng về số lượng mà chú trọng về chất lượng, hình thức. Vì vậy, sản phẩm của chúng tôi lúc nào cũng là sản phẩm mới, độc đáo, không dùng lại mẫu mã cũ, không nhái lại mẫu của các cơ sở khác” – anh Nguyễn Tấn Phát chia sẻ.
Mọi thông tin về cuộc thi, các tổ chức, cá nhân liên hệ theo địa chỉ: Thường trực BTC cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm TCMN Hà Nội năm 2015, số 176 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội. Điện thoại: 04.33550648, website: www.khuyenconghanoi.gov.vn

Tuy nhiên, không phải DN, cơ sở sản xuất TCMN nào cũng ý thức được tầm quan trọng của việc thiết kế mẫu mã sản phẩm. Tình trạng sao chép, sử dụng mẫu mã năm này qua năm khác, sản xuất theo đơn đặt hàng mà không đầu tư vào khâu làm mới mẫu mã vẫn rất phổ biến và đặc biệt nguy hiểm khi mặt hàng TCMN của Việt Nam ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh. Ông Hoàng Xuân Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) cho rằng, hiện nay các làng nghề TCMN Hà Nội chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, sản phẩm làm ra chưa đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường đặc biệt là thị trường xuất khẩu, khả năng cạnh tranh của sản phẩm được đánh giá còn tương đối yếu so với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ... Một trong các nguyên nhân chính là việc mẫu mã sản phẩm của các làng nghề TCMN Hà Nội chậm đổi mới, không có tính sáng tạo, thiết kế đơn điệu, chưa phù hợp với thị hiếu khách hàng...

Sáng tạo và khác biệt

Nhằm khắc phục các điểm yếu về thiết kế mẫu của các làng nghề TCMN trên địa bàn Hà Nội, từ năm 2012 UBND TP Hà Nội đã giao Sở Công Thương chủ trì tổ chức cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm TCMN Hà Nội. Đến nay, sau 3 năm tổ chức, cuộc thi đã đạt được nhiều kết quả khả quan như: Thu hút sự tham gia của gần 300 tổ chức, cá nhân trên địa bàn Hà Nội với gần 800 sản phẩm được tạo ra. Nhiều sản phẩm sau khi đạt giải đã thu hút sự quan tâm của các nhà nhập khẩu, các DN sở hữu sản phẩm đạt giải đã ký kết được nhiều hợp đồng xuất khẩu trị giá hàng trăm ngàn đô la Mỹ, tiêu biểu như Công ty TNHH Cửa Đỏ (Sơn mài), Công ty TNHH Quang Vinh (gốm sứ), HTX sơn khảm Ngọ Hạ (khảm trai), Công ty Thêu Việt (Thêu ren)...

Năm nay, cuộc thi tiếp tục được phát động với chủ đề “Sáng tạo và khác biệt”. Theo ông Vương Đình Thanh -  Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) thì các sản phẩm tham gia cuộc thi năm nay phải mang tính sáng tạo, lắp ghép dễ dàng và thay đổi kiểu dáng một cách linh hoạt. Cuộc thi cũng đề cao sản phẩm có tính thẩm mỹ, hoa văn, họa tiết hoặc màu sắc độc đáo, thân thiện; và điều quan trọng là sản phẩm phải có giá trị sử dụng trong cuộc sống, có khả năng sản xuất hàng loạt, có tiềm năng xuất khẩu và dùng nguồn nguyên liệu trong nước, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Ưu tiên các sản phẩm có khả năng xuất khẩu tốt. Những sản phẩm tham gia cuộc thi phải thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu sẵn có, dễ kiếm hoặc từ nguyên liệu tái chế. Ngoài ra, các đơn vị, cá nhân dự thi phải đảm bảo sản phẩm dự thi không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các quy định liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp; chưa từng gửi tham gia bất kỳ cuộc thi nào trước hoặc trong cùng thời điểm cuộc thi này.

Nhằm nâng cao chất lượng  các sản phẩm dự thi, Sở Công Thương thành lập Hội đồng chuyên gia tư vấn gồm các chuyên gia đầu ngành trong nước, các nghệ nhân, các nhà thiết kế trong lĩnh vực TCMN để tư vấn, đóng góp ý kiến cho các sản phẩm tham gia dự thi hoàn thiện trước khi chấm giải.

Các sản phẩm tham gia cuộc thi đoạt giải, ngoài tiền giải thưởng sẽ nhận được nhiều quyền lợi như miễn phí tối đa 4 gian tiêu chuẩn tại Hội chợ quà tặng hàng TCMN Hà Nội 2015 (tổ chức 27 - 30/10/2015); Riêng sản phẩm giải Nhất, Nhì, Ba được hỗ trợ 100% chi phí thuê gian hàng tại hội chợ quốc tế chuyên ngành TCMN tại nước ngoài trong năm 2016. Sở Công Thương sẽ xem xét ưu tiên hỗ trợ kinh phí khuyến công đào tạo nghề, truyền nghề, ứng dụng máy móc tiên tiến hiện đại vào sản xuất, tham gia hội chợ trong nước năm 2016.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần