Lễ hội vật cầu nước làng Vân được tổ chức vào các ngày 12,13 và 14 tháng Tư Âm lịch. Lễ hội là nét tín ngưỡng thờ Thần Mặt Trời của người dân làm nông nghiệp, có tính lịch sử, độc đáo, hài hước, vui vẻ, kịch tính và "độc nhất vô nhị." |
Với giá trị "độc bản", lễ hội vật cầu nước làng Vân (Việt Yên, Bắc Giang) đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
Lễ hội được tổ chức trên sân chính của đền thờ thánh Tam Giang ở xóm 4, thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, có diện tích khoảng 200m2, mặt sân là bùn nhão, ở hai đầu sân có hai hố để đẩy cầu xuống. |
Nói về nguồn gốc của lễ hội, ông Nguyễn Tuấn Khôi (Trưởng ban khánh tiết đền thờ thánh Tam Giang) cho biết, Tương truyền rằng khi xưa có bốn anh em Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy đi theo Triệu Quang Phục đánh đuổi giặc Lương. Khi đánh thắng quân Lương trở về đầm Dạ Trạch thì bị bọn quỷ đen ở đầm quấy phá. Hai bên xung trận, bọn quỷ ra điều kiện nếu thắng, chúng phải được thưởng còn nếu thua, chúng sẽ quy phục theo hầu nhà thánh. |
Cuối cùng bọn quỷ đen thua trận, phải quy phục đức thánh Tam Giang ở đây. Từ đó, tại đền chính của làng Vân, nơi thờ Đức thánh Tam Giang người dân tổ chức tái hiện lễ vật cầu nước nhằm ca ngợi công lao đánh giặc, thu phục quỷ đen của Đức thánh Tam Giang. |
Chính vì vậy, cho tới ngày nay, dân làng Vân mở hội vật cầu (còn gọi là hội Khánh Hạ) vào ngày hóa của đức thánh, với ý nghĩa hội mừng chiến thắng. |
Tại đây, 16 thanh niên khỏe mạnh tham gia hội vật gọi là quân cầu được chia làm hai giáp (mỗi giáp tám người), gọi là giáp trên và giáp dưới. Mỗi lần đẩy được cầu xuống hố là kết thúc một hiệp. |
Vì được tổ chức 4 năm 1 lần, lễ hội vật cầu nước làng vân luôn là tâm điểm thu hút hàng nghìn người dân cùng du khách thập phương tìm về để chiêm ngưỡng những màn so tài thuỷ chiến với trái cầu gỗ nặng hàng chục kg. |
Việc tuyển chọn quân cầu rất khắt khe. Họ là trai tráng khỏe mạnh, không có tang bụi, không có bệnh tật, dị tật, không có can phạm, can án. Tất cả quân cầu đều được huấn luyện 3 buổi chiều trước khi hội mở. Làng có ban huấn luyện quân cầu, thường là quân cầu của những mùa hội trước. |
Quả cầu làm bằng gỗ mít là tượng trưng cho Mặt Trời với khối lượng nặng hàng chục kg. Nhiệm vụ của 2 giáp là phải tranh cướp, di chuyển khối cầu về phía hố cầu của đối thủ. |
Hội vật cầu nước được tổ chức trên sân có diện tích khoảng 200m2, mặt sân là bùn nhão, ở hai đầu sân có hai hố để đẩy cầu xuống, mỗi lần đẩy được cầu xuống hố là kết thúc một hiệp. |
Cũng như một số lễ hội dân gian truyền thống khác, lễ hội Vật cầu nước làng Vân mang đậm những nét tâm linh của cư dân trồng lúa nước định canh, hội mang nhiều yếu tố về phồn thực, rèn luyện sức khỏe, thỏa mãn nét văn hóa cổ xưa. |
Được tổ chức trong ba ngày, lễ hội vật cầu nước ngày 12 đánh hai cầu, ngày 13 đánh ba cầu và ngày 14 đánh bốn cầu. |
Mặc dù quyết liệt là vậy nhưng để đúng nghĩa đây là trò chơi mang tính cầu mùa, cầu hòa thuận nên ban tổ chức đã quán triệt các "quân cầu" không được xích mích, va chạm thái quá. Đồng thời, các khán giả cũng là cổ động viên của cả hai giáp, bất kì giáp nào chiến thắng cũng là niềm vui chung của cả làng. |
Lễ hội vật cầu nước làng Vân là một lễ hội độc nhất vô nhị của Việt Nam. Còn một hội khác cũng tương tự đó là hội vật cầu Thuý Lĩnh (Hà Nội) nhưng đánh trên sân cỏ, khác với vật cầu nước làng Vân tổ chức trên sân bùn nước. |
Theo thông lệ xưa, hội vật cầu nước làng Vân được tổ chức thường xuyên theo điều lệ và quy ước của làng. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1945-1954, lễ hội vật cầu nước ít được tổ chức. |
Kể từ năm 2002, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tổ chức, lễ hội đã được khôi phục. Hương ước của làng hiện nay quy định, 4 năm sẽ tổ chức lễ hội vật cầu nước một lần. |
Hội vật cầu nước với ý nghĩa là hội mừng chiến thắng. Đồng thời cũng thể hiện mong muốn của cư dân trồng lúa nước cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đây là một lễ hội điển hình của văn hoá phồn thực Việt Nam, là niềm tự hào của người dân làng Vân từ bao đời nay. |