70 năm giải phóng Thủ đô

Độc quyền vàng miếng, thị trường vàng trang sức đi về đâu?

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ trương độc quyền vàng miếng được quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP không chỉ khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tăng cao, người mua chịu thiệt mà còn “ngáng đường” sự phát triển của vàng trang sức.

Trong bối cảnh thế giới đang phát triển mạnh thị trường vàng trang sức thì tại Việt Nam, khó khăn của các DN là hầu như không được nhập khẩu vàng nguyên liệu, dẫn đến việc phải mua nguồn vàng trôi nổi ngoài thị trường.

Doanh nghiệp trang sức kêu khó vàng nguyên liệu

Từ năm 2012 đến nay, thị trường vàng trong nước được quản lý bằng Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Theo đó, vàng miếng do Nhà nước độc quyền sản xuất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đơn vị được giao cho tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. NHNN chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia.

Mua bán vàng miếng tại cửa hàng trên đường Trần Duy Hưng, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Mua bán vàng miếng tại cửa hàng trên đường Trần Duy Hưng, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Ngoài ra, căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung - cầu vàng trong từng thời kỳ, NHNN tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho DN.

Như vậy, NHNN quản lý nguồn vàng nên chỉ nhập khẩu khi cần thiết. Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, quy định không có phép các đơn vị nhập khẩu vàng nguyên liệu cũng khiến cho ngành sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ kém phát triển.

Từ nhiều năm nay, một số công ty sản xuất, kinh doanh vàng quy mô lớn, có uy tín đã đề xuất NHNN cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu với mục đích sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Trong các văn bản kiến nghị, các công ty đề xuất không nhập đại trà, nhập nhiều mà chỉ xin nhập vài tấn vàng để giải bài toán nguồn nguyên liệu cho sản xuất vàng trang sức đang rất khan hiếm.

Một đại diện từng tham gia điều hành tại nhiều DN vàng cho biết, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang phát triển thị trường vàng trang sức rất mạnh. Còn tại Việt Nam, nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất hàng trang sức hầu như không được nhập. Điều này dẫn đến việc, lượng vàng nguyên liệu để sản xuất trang sức chủ yếu là mua bán trôi nổi ngoài thị trường.

Nhu cầu cao, đẩy giá vàng nguyên liệu, vàng 9999 tăng cao, kéo chênh lệch ngày càng nới rộng khiến người mua bị thiệt. Việc sử dụng vàng trôi nổi cũng ảnh hưởng đến chất lượng vàng trang sức.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, từ năm 2014 đến nay, NHNN không đưa thêm vàng ra thị trường, nên vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất, mỹ nghệ. Các loại vàng trang sức mỹ nghệ này còn được đem xuất khẩu.

“Ngoài ra, do nguồn cung bị giảm, giá vàng thế giới tăng cao, các DN phải dự trữ vàng do không biết giá thế giới biến động như thế nào. Việc mua nguyên liệu giá cao sẽ phải bán cao hơn” - bà Hồng nói.

Cung cao, cầu hạn chế, chênh lệch giá vàng chảy vào túi ai?

Bà Lê Thúy Hằng - Tổng Giám đốc Công ty SJC - cho biết, từ năm 2012, thương hiệu SJC được Chính phủ và NHNN lựa chọn là thương hiệu vàng quốc gia.

Việc sản xuất vàng miếng được NHNN quản lý rất chặt chẽ trong tất cả các khâu của quy trình, bắt đầu từ cân đo sản phẩm, kiểm tra series, đốt nấu và dập ra vàng miếng. SJC là đơn vị đã được chọn là thương hiệu quốc gia nên luôn luôn tuân thủ đúng các quy định của NHNN. Giá để gia công các miếng vàng chỉ là 140.000 đồng cho một lượng.

Độc quyền vàng miếng, thị trường vàng trang sức đi về đâu? - Ảnh 1

Theo bà Hằng, vấn đề chênh lệch giá vàng, Công ty SJC hoàn toàn không có lợi. Trong 10 năm qua, SJC không được dập một miếng vàng nào từ nguyên liệu. Từ khi giao thương hiệu vàng, SJC mất hoàn toàn các lợi thế về kinh doanh và khi Nghị định được ban hành, lợi nhuận ròng của SJC giảm, từ hơn 300 tỷ đồng - gần 400 tỷ đồng/năm tới giờ chỉ đạt 74 - 80 tỷ đồng lãi ròng.

“Số lượng vàng trên thị trường còn rất ít, bởi có những năm, thời điểm, giá nguyên liệu và giá vàng SJC thấp hơn hoặc bằng, các thương hiệu trong nước nấu vàng miếng của SJC để sản xuất nhẫn và nữ trang. Đặc biệt, năm 2019, thị trường vàng xuất đi nước ngoài rất nhiều nên lượng vàng SJC trên thị trường hiện nay còn rất ít. Nguồn cung hiện tại không có, trong khi nhu cầu thị trường có, do vậy tạo ra độ chênh về giá so với vàng thế giới” - bà Hằng nói.

Tại cuộc họp mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như giữa giá vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác là phù hợp. Sự chênh lệch là do giá nguyên liệu nhập khẩu và nguồn cung hạn chế.

Về thắc mắc hưởng lợi từ chênh lệch giá vàng, người đứng đầu NHNN cho biết, nhiều DN đã khẳng định chênh lệch này không rơi vào đơn vị nào. Nếu người dân lựa chọn vàng miếng SJC thì sẽ phải mua giá cao và bán giá cao.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu cần sửa đổi các quy định của Nghị định 24 để giải quyết được các vấn đề của thị trường vàng. "Việc sản xuất vàng miếng SJC là do NHNN nắm độc quyền, việc này không phù hợp với nền kinh tế thị trường. NHNN không thể đứng sau một thương hiệu nào của xã hội. Để thị trường mang tính cạnh tranh thì cần bỏ thế độc quyền" - ông Hiếu nói.

Vị chuyên gia này cho rằng, để thị trường này ổn định và vận động theo đúng kinh tế thị trường thì vai trò là nhà nhập khẩu vàng duy nhất của NHNN cũng phải thay đổi. Không chỉ là SJC mà nên cho một số nhà kinh doanh vàng uy tín và có tiềm lực tài chính nhập khẩu vàng bên cạnh NHNN để không còn tình trạng có những thời điểm vàng trong nước chênh so với thế giới tới hơn 20 triệu đồng/lượng. Đầu vào của thị trường vàng bị nghẽn lại do nguồn cung của NHNN dẫn đến tình trạng đẩy giá lên cao.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, mục tiêu chống đô la hóa, vàng hóa của Nghị định 24 đã đạt được. Riêng mục tiêu phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng thì chưa, bằng chứng là giá vàng SJC quá đắt đỏ so với thế giới.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh kiến nghị, các cơ quan liên quan, nhất là NHNN cần xem xét một cách nghiêm túc việc sửa đổi Nghị định 24, không nên để tình trạng độc quyền sản xuất một thương hiệu vàng quốc gia SJC như hiện tại nữa.

 

Theo một số đơn vị kinh doanh vàng, vàng trang sức mỹ nghệ cũng là hàng hóa, có tiềm năng phát triển, đem lại nguồn thu cho đất nước, nhưng vấn đề khó khăn là vàng nguyên liệu. Nghị định 24 đã có khuôn khổ pháp lý cho nhập vàng nguyên liệu, nhưng vì mục tiêu chính sách tiền tệ theo từng thời kỳ, NHNN quyết định cấp phép, nhập khẩu vàng miếng.

Việc này NHNN sẽ phối hợp với các DN để phân tích, đánh giá mục tiêu điều hành trong tổng thể chính sách vĩ mô để tham mưu đề xuất làm sao vừa thúc đẩy thị trường vàng trang sức mỹ nghệ, vừa hạn chế rủi ro. "  - Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

"Suốt bao nhiêu năm nay, nỗ lực xin nhập khẩu vàng nguyên liệu của DN đều không được chấp thuận vì vướng quy định tại Nghị định 24." -Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh