Đối diện khó khăn do dịch Covid - 19: Giải pháp nào khơi thông nền kinh tế?

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Chính phủ tiếp tục khẳng định “chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng” đang đặt ra bài toán khó cho nền kinh tế. Đó là làm sao thực hiện được song hành cả hai mục tiêu: Vừa chống dịch bệnh, vừa bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng trong khi dịch Covid - 19 đang diễn biến phức tạp.

Ngành ngành gặp khó
Cập nhật về tình hình số lượng DN trong 2 tháng đầu năm 2020, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho biết, có 16.151 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước; 2.807 DN hoàn tất thủ tục giải thể. Đây cũng là tháng đầu tiên hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN bắt đầu ghi nhận những tác động từ bệnh dịch Covid 19.
Từ các DN lớn đến các nhà kinh doanh nhỏ lẻ đã cùng lên tiếng về những khó khăn do tình hình kinh doanh ế ẩm, doanh thu sụt giảm từ sau Tết Nguyên đán, cũng là thời điểm dịch bệnh Covid - 19 bùng phát.
Ảnh hưởng trực tiếp có thể kể đến là nông nghiệp và du lịch. Khách Trung Quốc tới các điểm tham quan, nghỉ dưỡng của Việt Nam luôn chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, thị trường hàng tỷ dân này đã bị đóng băng hoàn toàn.
 Dây chuyền sản xuất motor điện tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam. Ảnh: Danh Lam
Chủ một khách sạn ở Hà Nội cho biết, đã nhận các đơn hủy hợp đồng đặt phòng vì dịch cúm Covid - 19. Theo vị doanh nhân này, lâu nay khách sạn của ông là cho khách đoàn, trong đó khách đến từ Trung Quốc chiếm khoảng 30%. Thế nhưng không chỉ khách Trung Quốc mà khách trong nước cũng hủy đặt phòng vì lo ngại dịch bệnh. Theo vị doanh nhân này, không chỉ ở khách sạn ông, một số đối tác cùng chia sẻ phòng khác cũng gặp khó khăn tương tự.
Với nông nghiệp, hàng loạt những mặt hàng nông sản như dưa hấu, thanh long, tôm hùm, cam... không thể xuất sang Trung Quốc. Trong khi đó, các ngành kinh doanh dịch vụ nhà hàng, quán xá tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Mình cũng đang trải qua những ngày tháng cực kỳ khó khăn.Người dân không đến vì lo lây nhiễm virus khiến quán xá vắng ngắt.
Nhiều DN hoạt động kinh doanh ở các ngành nghề khác cho biết việc kinh doanh trong thời gian qua rất khó khăn. Dịch vụ các ngành tài chính, ngân hàng, TTCK… cũng bị ảnh hưởng theo.
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tính đến ngày 7/2/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã giảm 0,38% so với cuối năm 2019 và giảm 0,47% so với cuối tháng trước. Nhiều nhóm ngành đã chịu tác động gián tiếp như cảng biển, hàng không, dịch vụ hậu cần... khi các bên thắt chặt giao thương để kiểm soát dịch.
Tuy nhiên, những ảnh hưởng gián tiếp đến nền kinh tế mà chưa thể đo đếm được ngay. Đơn cử như có một số ngành kinh tế phụ thuộc khá lớn vào phụ tùng, nguyên liệu đầu vào, máy móc thiết bị từ Trung Quốc. Không chỉ DN Việt Nam mà còn cả các DN FDI cũng phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.
GDP 6,8% - mục tiêu khó
Trong báo cáo mới công bố, VinaCapital cho biết đã có thể ước tính tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế Việt Nam sau một tháng tập hợp thông tin và dữ liệu về dịch bệnh. Quỹ đầu tư này nhắc lại việc Bộ KH&ĐT dự báo tăng trưởng GDP năm nay có thể chỉ đạt 5,96%, giảm khoảng 0,8% nếu dịch bệnh được khống chế trong quý II. Trong khi đó, các nhóm phân tích khác dự đoán tăng trưởng GDP sẽ giảm từ 0,4 đến 1 điểm phần trăm.
Nhóm nghiên cứu này cho rằng, tăng trưởng GDP năm nay phải giảm 1,5 điểm phần trăm và có thể hơn nữa nếu Chính phủ không mạnh tay để bù đắp một phần tổn thất cho nền kinh tế.
Du lịch chiếm 7% GDP nhưng nếu tính cả đóng góp gián tiếp thì con số này khoảng 14%. Năm ngoái có hơn 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam và chi tiêu bình quân mỗi người khoảng 19 triệu đồng.
Công ty Chứng khoán BSC dự đoán lượng khách này sẽ giảm 75% vì nhiều hãng hàng không đã tạm dừng đường bay đưa khách đến các điểm tham quan nổi tiếng. Tỷ lệ lấp đầy phòng tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cũng chỉ còn khoảng 20%.
Đối với sản xuất, lĩnh vực này đang đóng góp 16% vào GDP. Công ty Chứng khoán VN Direc nhận định, con số sẽ biến động mạnh bởi nhiều nhà máy dệt may, điện tử, thép dẹt... có thể gián đoạn sản xuất vì chuỗi cung ứng nguyên liệu phụ thuộc vào đối tác Trung Quốc.
Khối nghiên cứu toàn cầu của Standard Chartered vừa công bố báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến các nền kinh tế châu Á, trong đó hạ dự báo tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam ở mức 6,6%, thay vì mức 7% trước đó. Dự báo tăng trưởng ngành sản xuất sẽ giảm xuống còn 8,8% trong năm 2020, từ mức 11,3% năm 2019, dẫn đến tăng trưởng GDP giảm khoảng 0,4 - 0,6%.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, phải rất khó khăn để giữ được mục tiêu tăng trưởng 6,8%. Trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp lan sang khá nhiều nước, nhất là những đối tác quan trọng quan hệ đầu tư, thương mại, giao thương rất lớn với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiệp định thương mại CPTPP có hiệu lực 1 năm, mới đây nhất là EVFTA (Việt Nam -EU), song ông Hiếu không kỳ vọng liệu có thể bù đắp vào những thị trường khác hay không cho những tác động mà Việt Nam đang gặp phải.
Ông Hiếu phân tích: Những Hiệp định thương mại hỗ trợ Việt Nam rất nhiều nhưng cũng có nghĩa Việt Nam càng hội nhập sâu vào thế giới. Tình hình kinh tế thế giới có thể bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, nên không thể kỳ vọng quá nhiều vào những Hiệp định thương mại hiện tại. “Không phải có Hiệp định thương mại mà xuất khẩu sang được ngay. Ngay cả vấn đề thủy sản sắp tới đây có phái đoàn châu Âu sẽ sang để nghiên cứu đánh bắt hải sản của Việt Nam có phù hợp với thông lệ quốc tế hay không.
Hiệp định thương mại chỉ là bước đầu mở thị trường mới nhưng việc thực hiện như thế nào lại là vấn đề khác nữa. Trong khi lúc này tất cả các thị trường thế giới đang bị chậm lại không như dự báo trước đó, nếu chưa muốn nói là suy thoái. Chúng ta phải chờ xem vài tháng tới có hiện tượng suy thoái hay không” - ông Hiếu lo ngại.
Vừa chống dịch, vừa khơi thông nền kinh tế
Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, tuy vậy một số chuyên gia cho rằng không phải là không có cơ hội.
“Cần phải quan sát thêm, một là diễn biến bệnh dịch, trong nước chúng ta đang ổn rồi. Thứ hai là những thông tin thêm về tăng trưởng quý I/2020. Phải thật bình tĩnh. Cái bây giờ cần làm là tiếp tục quyết liệt phòng tránh bệnh và khơi thông nền kinh tế” - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Lê Xuân Sang nói. Ông nhấn mạnh dịch bệnh là cơ hội để Việt Nam nhìn lại chính mình, thấy được các điểm yếu của nền kinh tế. Đây là lúc nhìn lại các cơ cấu kinh tế, sau đó phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu từng lĩnh vực, từng ngành một. Xây dựng nền kinh tế khả năng chống và thích ứng với các biến động nhiều hơn.
Theo các chuyên gia, cần khuyến khích DN Việt Nam phát triển, khuyến khích hàng hóa do người Việt Nam sản xuất, bởi người Việt Nam và tại Việt Nam. Hiện Chính phủ cũng đang nghiên cứu chính sách hoãn, giãn thuế cho DN bị thiệt hại do dịch Covid - 19 gây nên.
Duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay... Tất nhiên, điều kiện là những sự hỗ trợ này phải đến được đúng đối tượng bị ảnh hưởng.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng: “Vẫn còn quá sớm để nhận định nợ xấu trong năm 2020 do chịu tác động của dịch. Mọi hoạt động có thể chậm lại thời điểm hiện tại, nhưng sau khi hết dịch, các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng sẽ phục hồi rất nhanh. Khi kết thúc người dân sẽ đẩy mạnh mua sắm, tiêu dùng, đi du lịch… ”.
“Có loại vaccin nào cho nền kinh tế Việt Nam để ứng phó căn bệnh sụt giảm kinh tế, để có thể đạt mục tiêu kép, là vừa chống dịch COVID-19, vừa giữ được nhịp độ tăng trưởng kinh tế”- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra với các bộ, ngành, địa phương. Nhiều người dân, DN rất hy vọng, với các biện pháp quyết liệt từ phía Chính phủ, các cơ quan quản lý, bệnh dịch sẽ sớm qua đi để cuộc sống sớm trở lại bình thường. Những khó khăn do virus Corona đã và đang gây ra là quá lớn.

"Sớm nhất cũng phải sang quý IV/2020, EVFTA mới có những tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam. Bởi dù Nghị viện châu Âu đã thông qua, nhưng còn đợi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào tháng 5 tới, sau đó là Liên minh châu Âu. Phải 1 tháng sau khi các bên hoàn tất các thủ tục, EVFTA mới chính thức có hiệu lực. " - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm


"Chưa cần thiết để có một gói kích thích kinh tế. Nền kinh tế chúng ta hiện không phải thiếu tiền để cần bơm. Một gói tài khóa có ý nghĩa nhất trong lúc này là giải quyết dứt điểm các nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công, hoặc có thể dành một ngân sách tài khóa nhất định cải thiện cơ sở hạ tầng theo hướng đa dạng hóa vùng miền, chống biến đổi khí hậu." - GS. TS Trần Ngọc Thơ