Kinhtedothi - Theo Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của các cơ quan bộ, ngang bộ trực thuộc Chính phủ và các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư năm 2013 do Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) vừa công bố, Hà Nội nằm trong Top 3 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước về ứng dụng CNTT tổng thể phục vụ người dân.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội chia sẻ, đây là kết quả đáng mừng song cũng đặt ra nhiều thách thức cho TP trong giai đoạn tới.
Dần hoàn thiện chính quyền điện tử Thủ đôNăm nay, Hà Nội tiếp tục duy trì vị trí Top đầu về ứng dụng CNTT phục vụ người dân. Bà đánh giá thế nào về kết quả xếp hạng này?
- Mặc dù việc triển khai ứng dụng CNTT trong năm 2013 của TP Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng và quyết định đối với kết quả xếp hạng, nhưng phải nhìn nhận đây là kết quả của cả một quá trình triển khai ứng dụng CNTT của TP trong những năm gần đây.
Hà Nội đã tập trung triển khai theo định hướng chung của Chính phủ về ứng dụng CNTT, với 4 trụ cột chính là: Hạ tầng CNTT, ứng dụng CNTT, nhân lực CNTT và xây dựng cơ chế chính sách. Cụ thể, TP đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản, quy định quan trọng tạo hành lang pháp lý cho triển khai ứng dụng CNTT. Các thành phần cơ bản của chính quyền điện tử Thủ đô đang dần được hoàn thiện. Các ứng dụng dùng chung như thư điện tử, phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, phần mềm "một cửa điện tử liên thông" được triển khai thống nhất đến tận UBND phường, xã, thị trấn và tiến tới tích hợp toàn TP. Để phục vụ công tác quản lý điều hành và tác nghiệp giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan Nhà nước, 17 hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành trọng điểm đang được triển khai xây dựng theo đúng lộ trình Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT của TP đã đề ra. Các ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp rất được chú trọng với 100% các đơn vị có cổng thông tin điện tử, cung cấp 100% dịch vụ công mức độ 2 và 113 dịch vụ công mức độ 3 và 4.
Kết quả xếp hạng vừa được Bộ TT&TT công bố đã đánh giá và ghi nhận được quyết tâm và nỗ lực của TP Hà Nội trong việc triển khai ứng dụng CNTT trong thời gian qua, nhưng đồng thời cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức trong giai đoạn tới.
Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Thanh Hải
Xếp hạng về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Hà Nội tuy nằm trong Top 3 địa phương dẫn đầu song vẫn xếp sau Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Theo bà, đâu là nguyên nhân khiến Thủ đô chưa thể bứt phá về dịch vụ công trực tuyến?
- Theo kết quả xếp hạng về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, mặc dù Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội nằm trong Top 3 với số điểm chênh lệch không nhiều, nhưng điểm đánh giá nội dung này vẫn thấp hơn 50% điểm tối đa (điểm tối đa với nội dung này là 160 điểm). Điều này có thể thấy, trong cả nước, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 vẫn còn những hạn chế và cần được chú ý trong các năm tiếp theo. Một số nguyên nhân có thể kể đến là số lượng thủ tục hành chính được triển khai ở mức độ 3 và 4 chưa nhiều, tỷ lệ giao dịch trực tuyến thành công chưa cao…
Vậy, làm thế nào để cải thiện tình trạng này, thưa bà?
- Trong thời gian vừa qua, TP Hà Nội đã triển khai thực hiện 8 nhóm dịch vụ công cơ bản và 68 dịch vụ công đặc thù. Tổng cộng có 113 dịch vụ công mức độ 3 và 4 đã được triển khai, trong đó có 110 dịch vụ công mức 3 và 3 dịch vụ công mức 4. Có những dịch vụ công trực tuyến đã triển khai rất thành công, chẳng hạn như dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 về cấp Giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh do Sở TT&TT Hà Nội triển khai với tỷ lệ giao dịch trực tuyến là trên 50%. Dịch vụ này sẽ được nâng lên mức độ 4 trong năm nay. Tuy nhiên, vẫn có một số dịch vụ công đã được triển khai nhưng tỷ lệ giao dịch còn thấp, việc tham gia của công dân, tổ chức còn nhiều hạn chế. Sở TT&TT đã xây dựng và trình UBND TP kế hoạch Lộ trình triển khai dịch vụ công trực tuyến đến năm 2020. Đây sẽ là căn cứ để TP triển khai trong giai đoạn tiếp theo.
Năm 2015 sẽ hoàn thành chương trình mục tiêuĐáng chú ý là trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, ngôi vị đầu bảng lại thuộc về Thanh Hóa, còn Đà Nẵng đứng ở vị trí số 5, Hà Nội đứng thứ 9, và TP Hồ Chí Minh tụt xuống thứ 44. Có thể xem việc xếp hạng này là một cảnh báo với các TP lớn đang mất cảnh giác với vấn đề an toàn thông tin không, thưa bà?
- Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT và internet, vấn đề an toàn thông tin được xem là một trong những mối quan tâm hàng đầu, có ảnh hưởng đến hầu hết các mặt của đời sống xã hội.
Trong các năm vừa qua, TP Hà Nội đã rất quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn an ninh thông tin. TP đã triển khai giải pháp đảm bảo an toàn thông tin tổng thể cho mạng WAN, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho trung tâm dữ liệu Nhà nước cũng như hạ tầng CNTT tại một số sở, ngành, quận, huyện; tổ chức các đoàn kiểm tra về công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin; thực hiện việc hướng dẫn các đơn vị triển khai công tác đảm bảo an toàn thông tin; thành lập Bộ phận chuyên trách đảm bảo an toàn thông tin để kịp thời phối hợp với các đơn vị trong quá trình vận hành hệ thống CNTT...
Kết quả đánh giá xếp hạng công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin là một cảnh báo giúp các địa phương nhìn nhận, đánh giá lại tình hình triển khai để có các giải pháp tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin trong các năm tiếp theo.
Hà Nội đã có những chủ trương, định hướng nào để tiếp tục duy trì thứ hạng về ứng dụng CNTT và cải thiện thứ hạng, thưa bà?
- Theo kết quả sơ kết 2 năm thực hiện chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT, đã có 48/56 chỉ tiêu hoàn thành, trong đó có 14 chỉ tiêu vượt so với chỉ tiêu đặt ra. Thời gian tới, TP sẽ tập trung triển khai các giải pháp để phấn đấu đến hết năm 2015 hoàn thành 100% các chỉ tiêu đã đặt ra trong chương trình mục tiêu. Trong đó, một số nội dung trọng tâm được xác định là: Hoàn thiện lộ trình, khung kiến trúc chính quyền điện tử của TP, đề án xây dựng TP Hà Nội thông minh, triển khai đồng bộ hạ tầng cấp xã, triển khai dịch vụ công trực tuyến, tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin, đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức.
TP Hà Nội hiện có 30 quận, huyện và 584 xã, phường với hơn 7 triệu dân, do đó so với các địa phương khác thì quy mô triển khai tại Hà Nội là rất lớn, phức tạp, số lượng thủ tục hành chính giao dịch là rất nhiều. Chính vì vậy, mục tiêu đạt vị trí số 1 về ứng dụng CNTT sẽ đặt ra nhiều thách thức trong giai đoạn tới. Để đạt được mục tiêu này cần sự quyết tâm, nỗ lực của nhiều cấp, nhiều ngành, gắn chặt hơn nữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, coi kết quả ứng dụng CNTT là nội dung quan trọng trong đánh giá mức độ cải cách hành chính.
Hà Nội có thể học tập được gì từ Đà Nẵng - địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng CNTT?
- Trong quy hoạch phát triển CNTT, một giải pháp quan trọng đã được xác định là: Hà Nội sẽ chủ động học tập kinh nghiệm các TP, các nước trên thế giới, tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh, TP trong nước. Triển khai quy hoạch, TP Hà Nội đã tăng cường hoạt động hợp tác, học tập kinh nghiệm triển khai chính phủ điện tử của TP Seoul (Hàn Quốc), tham gia là thành viên của Tổ chức chính phủ điện tử các TP trên thế giới (WeGO). Đối với các tỉnh, TP trong nước, TP Hà Nội đã ký các biên bản hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với nhiều địa phương như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…
Mô hình và kết quả triển khai của Đà Nẵng được Bộ TT&TT đánh giá cao và sẽ được chia sẻ để các địa phương khác tham khảo. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, vì có sự khác nhau về quy mô, phạm vi và mức độ phức tạp triển khai nên Hà Nội sẽ phải cân nhắc khi tham khảo kinh nghiệm và mô hình triển khai tại Đà Nẵng.
Xin cảm ơn bà!