Nếu không thực hiện tái cân bằng và cải cách, những ngày mà kinh tế Trung Quốc tự động hạ cánh nhẹ nhàng có thể đã qua.
Rau củ được bán tại một khu chợ ở Thượng Hải. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trong quý 4/2012, kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 7,9%, tăng 0,5% so với mức tăng trưởng quý 3 sau 10 quý sụt giảm tăng trưởng liên tiếp và đánh dấu lần hạ cánh nhẹ nhàng thứ hai của kinh tế Trung Quốc trong vòng chưa đầy 4 năm qua. Nhưng bất chấp những tuyên bố về việc chuyển hướng sang nhu cầu nội địa sắp tới, Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu và nhu cầu bên ngoài như các động cơ chủ chốt cho tăng trưởng kinh tế. Không phải tình cờ mà hai đợt suy giảm gần đây của kinh tế Trung Quốc diễn ra ngay sau sự sụt giảm tăng trưởng tại hai thị trường lớn nhất của họ là châu Âu và Mỹ.
Trung Quốc đang có một số nguồn sức mạnh khiến họ có khả năng chống đỡ những cú sốc bên ngoài trong 4 năm qua, trong đó có khoản tiết kiệm khổng lồ, lên tới 53% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), và dự trữ ngoại tệ 3.300 tỷ USD. Hơn nữa, không giống như phương Tây, đang sử dụng hầu hết các chính sách truyền thống phản chu kỳ của họ, Trung Quốc vẫn duy trì khả năng điều chỉnh các chính sách tài chính và tiền tệ khi cần thiết.
Tương tự như vậy, tiến trình đô thị hóa mạnh mẽ đang hỗ trợ nền kinh tế đầu tư cao của Trung Quốc, trong khi tạo điều kiện cho người lao động tương đối nghèo ở nông thôn nâng cao thu nhập bằng việc tìm những công việc được trả lương cao hơn tại các thành phố.
Tuy nhiên, cuối năm 2012 có thể là lần cuối cùng Trung Quốc vượt qua một cú sốc bên ngoài mà không bị ảnh hưởng đến tăng trưởng. Hồi tháng 3/2007, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đề cập đến khả năng này khi cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang trở nên "bất ổn định, bất cân bằng, thiếu phối hợp và cuối cùng là không bền vững". Kể từ đó, nhiều điểm mạnh của Trung Quốc đang giảm đi do các cú sốc bên ngoài quá thường xuyên. Khu vực ngân hàng vẫn đang phải vật lộn với những khoản nợ khó đòi từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Nói cách khác, sự dễ tổn thương từ "4 bất" của ông Ôn Gia Bảo đang tăng đáng kể. Kinh tế Trung Quốc đang trở nên bất ổn hơn, nhất là các đợt suy giảm GDP thực trong các năm 2009 và 2012. Những mất cân bằng đang trở nên tồi tệ hơn khi đầu tư chiếm tới 50% GDP và tiêu dùng cá nhân giảm xuống dưới 35% GDP. Trung Quốc cũng trở nên thiếu phối hợp, tức manh mún hơn khi bất bình đẳng thu nhập tiếp tục gia tăng, trong lúc môi trường bị ô nhiễm.
Tóm lại, mô hình tăng trưởng của Trung Quốc đã bị "giãn rộng" chưa từng thấy, và thời gian bị giãn rộng càng lâu, thì thời gian phục hồi sẽ càng dài hơn. Thông điệp với các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc là rõ ràng: việc thúc đẩy tái cân bằng và cải cách đang trở nên cấp thiết chưa từng thấy. Hiện là lúc thực hiện những biện pháp, sẽ đẩy nhanh sự chuyển tiếp sang một nền kinh tế do tiêu dùng thúc đẩy, trong đó có việc phát triển khu vực dịch vụ, tài trợ cho mạng lưới an sinh xã hội, tự do hóa hệ thống hộ khẩu, cải cách các doanh nghiệp quốc doanh và chấm dứt chế độ áp chế tài chính đối với các hộ gia đình bằng cách tăng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp giả tạo.
Việc không nhanh chóng thực thi chương trình này sẽ khiến Trung Quốc dễ tổn thương hơn nhiều trước cú sốc sắp tới mà thế giới khó tránh khỏi vì khủng hoảng. Nếu không tái cân bằng, bất kỳ cú sốc bên ngoài nào cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng hạ cánh nhẹ nhàng của nền kinh tế Trung Quốc: chất lượng tín dụng trong hệ thống ngân hàng ngày càng giảm; sức cạnh tranh xuất khẩu yếu đi khi lương tăng; những vấn đề môi trường, quản lý và xã hội lớn như ô nhiễm, tham nhũng và bất bình đẳng; và những sơ suất trong chính sách đối ngoại như leo thang căng thẳng với Nhật Bản trong thời gian gần đây.