Nội dung này được quy định chi tiết tại Nghị định 111/2024/NĐ-CP, quy định về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng, có hiệu lực từ ngày 1/11/2024.
Để hiểu rõ hơn về những quy định mới nhất trong nghị định nêu trên, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Dưỡng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng).
Ông có thể giới thiệu đôi nét về nội dung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về hoạt động xây dựng?
- Ngày 6/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2024/NĐ-CP, quy định về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2024. Theo quy định, hệ thống thông tin về hoạt động xây dựng là tập hợp phần cứng, phần mềm và cơ sở dữ liệu về hoạt động xây dựng được thiết lập phục vụ mục đích tạo lập, cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi, chia sẻ thông tin trên mạng.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng là cơ sở dữ liệu về hoạt động xây dựng trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, chia sẻ, quản lý, duy trì và cập nhật thông qua phương tiện điện tử đáp ứng yêu cầu truy nhập và sử dụng thông tin của các ngành kinh tế và phục vụ lợi ích công cộng.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng bao gồm cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng; cơ sở dữ liệu về dự án đầu tư xây dựng, công trình xây dựng; cơ sở dữ liệu về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng và các hoạt động khác liên quan đến đầu tư xây dựng.
Sự cần thiết xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng là gì, thưa ông?
- Việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng nhằm mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất trên toàn quốc, tập hợp thông tin, dữ liệu cơ bản về quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng/công trình xây dựng được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin, hướng đến việc cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về hoạt động xây dựng phục vụ công tác quản lý Nhà nước, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Từ đó tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý Nhà nước về hoạt động xây dựng theo hướng hiện đại; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm giấy tờ cho công dân, tổ chức; thúc đẩy việc công khai, minh bạch thông tin về hoạt động xây dựng, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu, phục vụ quản lý Nhà nước và nhu cầu của người dân, đảm bảo tương thích với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, minh bạch và đúng thẩm quyền pháp lý; đảm bảo an toàn thông tin, ưu tiên chia sẻ dữ liệu về xây dựng giữa các cơ quan; tính thống nhất, hiện đại, phù hợp với chiến lược phát triển cơ sở dữ liệu của Chính phủ điện tử.
Vậy những quy định mới nhất về quy định triển khai hệ thống cơ sở thông tin, dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng là gì?
- Nghị định 111/2024/NĐ-CP gồm 4 chương, 19 điều. Nghị định này quy định về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng; không áp dụng đối với thông tin, dữ liệu về quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng, công trình xây dựng quốc phòng, an ninh và bí mật Nhà nước.
Việc xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng để định hướng cho các nội dung khác của nghị định. Nội dung mới nhất được quy định tại Điều 4 với 5 nguyên tắc được thực hiện trong quá trình này, gồm: việc xây dựng, quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu được thực hiện tập trung, thống nhất, đồng bộ từ T.Ư đến địa phương; nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về xây dựng; hệ thống được duy trì hoạt động liên tục, ổn định, thông suốt và được lưu trữ lâu dài, đáp ứng nhu cầu khai thác và sử dụng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.
Đồng thời hệ thống được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, bảo đảm an toàn thông tin theo quy định của pháp luật; và tuân thủ các quy định của Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin. Quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Ngoài ra, nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị: Bộ Xây dựng (Điều 15); Bộ Thông tin và Truyền thông (Điều 16); Văn phòng Chính phủ (Điều 17); các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh (Điều 18) trong việc tổ chức thực hiện.
Xin cảm ơn ông!