Chất lượng giáo dục Thủ đô không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: Đối với Hà Nội, với vị trí là Thủ đô, trung tâm chính trị, giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước thì việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên.
Trong những năm qua, GDĐT Thủ đô đã không ngừng phát triển cả về quy mô và chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân.
Thực hiện hiệu quả đề án Quy hoạch mạng lưới trường học, đến nay, Hà Nội cơ bản đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 01 trường mầm non công lập, 01 trường tiểu học công lập, 01 trường trung học cơ sở công lập; 3 đến 5 vạn dân có 01 trường trung học phổ thông công lập; xây mới và cải tạo được 1.362 trường học các cấp, vượt so với chỉ tiêu định hướng đến năm 2020 là 509 trường công lập, với kinh phí 35 nghìn tỷ đồng.
Chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn của Hà Nội luôn đạt kết quả xuất sắc trong 5 năm qua. Trước đây, điểm tuyển sinh đầu vào lớp 10 của một số trường năm học 2013 - 2014 còn thấp, đặc biệt là khu vực Hà Tây cũ, đến nay, điểm bình quân hàng năm các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 toàn Thành phố đều tăng. Vượt chỉ tiêu kinh tế xã hội của Thành phố đề ra là 95% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương.
Kết quả giáo dục mũi nhọn luôn đạt thành tích xuất sắc, liên tục dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng giải thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; chất lượng giải từng bước được nâng lên.
Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ngày càng đáp ứng với thời kỳ hội nhập và phát triển. Hà Nội có 100% giáo viên ở các bậc học, cấp học đang đứng lớp đạt chuẩn đào tạo trong đó tỉ lệ trên chuẩn cao.
Ngành GDĐT Hà Nội đã chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Chỉ tiêu về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và xây dựng mô hình trường chất lượng cao đã đạt thành tích xuất sắc, hoàn thành và vượt chỉ tiêu hằng năm đặt ra.
Tuy nhiên, phương pháp giáo dục còn nặng về xu hướng truyền thụ kiến thức, lý thuyết; việc giáo dục toàn diện về thể chất, thẩm mỹ, kỹ năng sống đã được chú trọng, quan tâm, đầu tư nhưng kết quả đạt được chưa thực sự đồng đều trên các địa bàn quận, huyện, thị xã; việc kết hợp giữa học lý thuyết và thực hành chưa được như mong muốn.
Công tác quản lý ở một số trường học còn bộc lộ những bất cập. Vẫn còn có một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hạn chế về năng lực, chưa đáp ứng kịp yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Cá biệt, vẫn còn có trường hợp vi phạm các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ, vi phạm đạo đức nhà giáo.
Một số dự án xây dựng trường học chưa đúng tiến độ, cải tạo các trường học cũ chưa được kịp thời. Một số chỉ tiêu còn chưa đạt như số lớp/trường, số học sinh/lớp ở một số phường trong các quận nội đô còn cao dẫn đến diện tích đất/ học sinh thấp, chưa đảm bảo tiêu chuẩn diện tích tối thiểu theo quy định.
Với mục tiêu Hà Nội trở thành trung tâm GDĐT chất lượng cao, tiêu biểu của cả nước và có tầm cỡ khu vực, ngành GDĐT xác định mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể đó là phải tạo ra những con người có phẩm chất, năng lực toàn diện, cần thiết gồm phát triển cả phẩm chất và năng lực con người, cả dạy chữ, dạy người, dạy nghề. Từng bước chuyển hệ thống GDĐT phát triển chủ yếu theo quy mô, số lượng sang phát triển vừa lấy trọng tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả, vừa chú ý quy mô, số lượng; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa. Giáo dục học sinh Thủ đô dần đáp ứng yêu cầu của công dân toàn cầu, đồng thời phải có những phẩm chất cần thiết, tiêu biểu của con người Hà Nội thanh lịch, văn minh…
Giáo dục nhân cách là nhiệm vụ hàng đầu
Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng cho biết, để có thể thực hiện được những mục tiêu, ngành GDĐT tiếp tục đổi mới nội dung GDĐT theo hướng toàn diện bao gồm giáo dục phẩm chất, thái độ, năng lực, tri thức và kỹ năng, trong đó giáo dục nhân cách là nhiệm vụ hàng đầu. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GDĐT.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng GDĐT bằng cách chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng và quản lý quá trình đào tạo; chú trọng quản lý chất lượng đầu ra; xây dựng hệ thống kiểm định độc lập về chất lượng GDĐT; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
Triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới; đổi mới cách thức giảng dạy để khắc phục tình trạng truyền đạt một chiều, tăng cường rèn luyện phương pháp học; phát huy vai trò chủ động của nhà trường và tính tích cực của giáo viên; tăng tính chủ động, sáng tạo của học sinh.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô: giữ vững chất lượng giáo dục phổ thông, cải thiện thứ bậc đối với kết quả thi tốt nghiệp THPT; nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn; tiếp tục thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài trung học phổ thông quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A Level tại các trường có điều kiện thực hiện; xây dựng và triển khai Đề án “Dạy tiếng Anh trong trường phổ thông của Hà Nội, đáp ứng yêu cầu nâng cao nguồn nhân lực trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước phổ cập sử dụng thành thạo tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế cho học sinh khi tốt nghiệp THPT”.
Thực hiện hiệu quả các chương trình giáo dục thể chất, thể thao, hỗ trợ dinh dưỡng, y tế trường học, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững về sức khỏe, thể chất, trí tuệ của học sinh Hà Nội, góp phần phát triển nguồn nhân lực tương lai.
Xây dựng hệ thống giáo dục mở, liên thông để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập và được cấp bằng nếu có nhu cầu. Khuyến khích học sinh tự học, tự nghiên cứu; làm việc thật, cống hiến thực chất và hiệu quả. Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế
Tiếp tục thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đem lại từ hợp tác quốc tế cho công tác GDĐT; Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của hệ thống giáo dục Thủ đô.
Chú trọng ứng dụng CNTT trong công tác quản lý giáo dục, các hoạt động dạy học và công tác tuyển sinh. Đánh giá hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học, tuyển sinh, kiểm tra đánh giá trong thời gian vừa qua để từ đó có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn quản lý giáo dục và nhu cầu ứng dụng CNTT trong giáo dục.