Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý theo hướng xã hội hóa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là mục tiêu tổng quát của Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Đề án là đổi mới công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa với lộ trình phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, khu vực tiến tới sau năm 2025 người thực hiện TGPL là luật sư hành nghề, bảo đảm cho các đối tượng thuộc diện được TGPL được cung cấp dịch vụ TGPL kịp thời, chất lượng tương đương với dịch vụ mà luật sư cung cấp trên thị trường; chuyển các Trung tâm TGPL nhà nước (Trung tâm) theo hướng từ việc chủ yếu cung cấp dịch vụ TGPL hiện nay thành cơ quan thực hiện quản lý Nhà nước về TGPL, tinh giản tổ chức, bộ máy và biên chế; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong việc tiếp cận dịch vụ TGPL của Nhà nước.

 
Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý theo hướng xã hội hóa - Ảnh 1
Trong giai đoạn từ năm 2015 đến khi Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực, về hoạt động TGPL, Đề án sẽ nâng cao chất lượng hoạt động TGPL, tập trung thực hiện vụ việc TGPL, trong đó, chú trọng vụ việc tham gia tố tụng, đặc biệt là trong lĩnh vực tố tụng hình sự, hôn nhân và gia đình, các vụ việc đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật tại trụ sở, tư vấn pháp luật tiền tố tụng. Chỉ thực hiện việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động TGPL.

Về tổ chức TGPL nhà nước, trong giai đoạn này sẽ duy trì tổ chức thực hiện TGPL của Nhà nước trên cơ sở sắp xếp tổ chức các Trung tâm theo hướng tinh gọn, tinh giản tổ chức, bộ máy và biên chế, giảm bớt chi phí bộ máy hành chính, tập trung nguồn lực cho việc nâng cao chất lượng TGPL, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu TGPL, nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ TGPL của từng địa phương và huy động các tổ chức xã hội tham gia thực hiện TGPL.

Sở Tư pháp chủ trì các tỉnh, thành phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các Sở, ban, ngành có liên quan xây dựng Đề án sắp xếp vị trí, việc làm của các công chức, viên chức trong Trung tâm cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trong từng giai đoạn bảo đảm Trung tâm có 2 bộ phận: 1- Bộ phận trực tiếp thực hiện TGPL là các Trợ giúp viên pháp lý; 2- Bộ phận quản lý nghiệp vụ tạo tiền đề để chuyển đổi các Trung tâm từ trực tiếp cung cấp dịch vụ TGPL sang quản lý Nhà nước và dịch vụ TGPL do tổ chức hành nghề luật sư và luật sư thực hiện TGPL ở giai đoạn sau.

Giai đoạn từ khi Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực đến năm 2025, là giai đoạn chuyển tiếp các Trung tâm từ việc trực tiếp cung cấp dịch vụ TGPL sang quản lý Nhà nước; thực hiện giảm tiếp 50% trong tổng số biên chế sự nghiệp tại các Trung tâm; dịch vụ TGPL do tổ chức hành nghề luật sư và luật sư thực hiện.

Đối với T.Ư, cơ quan quản lý TGPL ở T.Ư tiếp tục được kiện toàn về mặt tổ chức và chức năng, nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, điều phối, phân bổ nguồn lực, giám sát và kiểm soát chất lượng TGPL.

Còn ở địa phương, đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, đội ngũ luật sư hành nghề trên địa bàn chưa đáp ứng nhu cầu TGPL thì vẫn duy trì Trung tâm, tăng cường năng lực cho các Trợ giúp viên pháp lý bảo đảm đủ trình độ, kỹ năng tham gia tố tụng; bố trí đủ kinh phí cho hoạt động TGPL, đồng thời có lộ trình chuyển đổi Trung tâm sang quản lý Nhà nước, dịch vụ TGPL do tổ chức hành nghề luật sư và luật sư thực hiện vào năm 2025 theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Đối với các tỉnh, thành phố còn lại có lộ trình chuyển đổi sớm Trung tâm từ việc trực tiếp cung cấp dịch vụ TGPL sang quản lý Nhà nước, dịch vụ TGPL do tổ chức hành nghề luật sư và luật sư thực hiện; sắp xếp số biên chế dôi dư của Trung tâm tăng cường cho các đơn vị sự nghiệp, đơn vị hành chính của Sở Tư pháp, tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Tư pháp cấp huyện, cơ quan quản lý Nhà nước về TGPL.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần