Đây là nội dung thu hút sự quan tâm, chia sẻ của nhiều chuyên gia, hiệp hội, DN tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2020, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 16/12.
Hiệu quả từ chuyển đổi sốChia sẻ về hiệu quả của chuyển đổi hình thức tiếp thị sản phẩm, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) Tô Tường Lan cho biết, từ năm 2019, VASEP cùng DN đã thay đổi từ hình thức kết nối truyền thông tới đối tác (B2B) sang kết nối truyền thông tới người tiêu dùng (B2C). Chương trình được thực hiện đến tất cả các thị trường xuất khẩu của ngành thủy sản như Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức… bằng nhiều hình thức kết nối và quảng bá qua website, Google, Facebook, Instagram, YouTube… "Chúng tôi nhận thấy hiệu quả tương tác trên mạng xã hội rất lớn khi mang sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng. Vì vậy, DN Việt Nam nên chú trọng kênh bán hàng bằng phương thức này để tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu” - bà Lan cho hay.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) Nguyễn Chánh Phương, khi dịch Covid-19 diễn ra, các sự kiện triển lãm bị đóng cửa, HAWA đã nhanh chóng chuyển sự kiện sang hình thức trực tuyến và đặt ra đề bài số hóa triển lãm. Ngay sau đó, nền tảng triển lãm trực tuyến HOPE ra đời đã thu hút hơn 80 showroom định dạng thực tế ảo. Nhiều DN qua đó đã có được đơn hàng mà không cần tiếp xúc trực tiếp với đối tác. Ông Nguyễn Chánh Phương cho rằng: “Nền kinh tế không tiếp xúc tạo ra cơ hội gặp gỡ có chi phí thấp hơn, có thể hiểu khách hàng rộng hơn, rõ hơn và biến đó thành những dự án cụ thể để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của chính DN”.Ở góc độ khác, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Cao su Việt Nam Huỳnh Tấn Siêu cho rằng, để hướng tới xuất khẩu bền vững, về mặt lâu dài, DN phải đầu tư thích đáng cho công tác xây dựng nhãn hiệu. Để làm được điều này, trước tiên DN cần tìm đến sự bảo trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước; đồng thời xây dựng quy chế nhãn hiệu, xây dựng bộ chỉ số và thành lập tổ chuyên gia; tiếp đến là đẩy mạnh hoạt động quảng bá nhãn hiệu. “Cùng với đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN xây dựng nhãn hiệu, chúng tôi coi nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng để đảm bảo sản phẩm cao su Việt Nam luôn đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, khẳng định thương hiệu trên thị trường” – ông Huỳnh Tấn Siêu nhấn mạnh.Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệpChỉ ra những rào cản của hoạt động xuất khẩu, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho rằng, với quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới hơn 500 tỷ USD, hoạt động xúc tiến xuất khẩu cần tương xứng với giá trị xuất khẩu của Việt Nam trên thương trường. Tuy nhiên, nguồn lực ngân sách Nhà nước dành cho xúc tiến thương mại còn dàn trải từ T.Ư đến địa phương, bộ ngành nên nhiều hoạt động có phần bị chồng lấn, trùng lặp. Đáng nói, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông marketing theo xu hướng hiện đại còn hạn chế. Do vậy, trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục hỗ trợ DN xuất khẩu ứng phó và chủ động trước dịch Covid-19, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử. Cùng với đó, nâng cao và nâng tầm hình ảnh, thương hiệu sản phẩm.Đưa ra các giải pháp phát triển xuất khẩu bền vững, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ sẽ tập trung nâng cao hiệu quả và đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, tập trung vào các hàng hóa có lợi thế xuất khẩu, các thị trường tiềm năng nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, Bộ đẩy mạnh hoạt động khuyến khích, hỗ trợ DN xây dựng sản phẩm xuất khẩu đạt thương hiệu quốc gia và xây dựng thương hiệu DN. Cùng với đó là hoàn thiện chính sách hỗ trợ DN trong việc xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của DN ở thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.Để hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hoạt động Xúc tiến thương mại giai đoạn 2020 - 2025 góp phần phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Theo kế hoạch, 11 ngành hàng có tiềm năng sẽ được Bộ tập trung các hoạt động xúc tiến xuất khẩu như nhóm nông sản thực phẩm (thủy sản, trái cây, chè, cà phê); nhóm công nghiệp chế biến (dệt may, da giày và túi xách, đồ gỗ); nhóm ngành phần mềm…
Theo số liệu của Bộ Công Thương, 11 tháng năm 2020, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD. Đáng chú ý, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ước tính năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 260 tỷ USD, tăng khoảng 2,6% so với năm 2019; thặng dư thương mại hàng hóa vào khoảng 7 tỷ USD. |